Bệnh dễ phát hiện, nhưng do ít được lưu ý, nên thường bị bỏ qua và để lại những hậu quả nặng nề, từ tàn tật cho đến tử vong. Bệnh có chiều hướng tăng dần. Chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy trong 9 tháng đầu năm 2003 có 94 ca
Ngay ở Hoa Kỳ, quốc gia có nền y học tiên tiến nhất thế giới, hằng năm cũng có 5 triệu người bị huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS), trong đó 50.000 người tử vong vì thuyên tắc phổi -biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh. Tại nước ta, chưa có thống kê nào về HKTMS, nhưng theo một nghiên cứu của TS-BS Lê Nữ Hòa Hiệp, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực-Mạch máu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định - giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, số ca bệnh gia tăng khá đều đặn trong những năm qua. Nếu từ năm 1992-1997 bình quân chỉ có 9 ca/năm, thì từ 1998-1999 là 13 ca/năm và từ 2000-2002 là 44 ca/năm. Đó chỉ là ghi nhận riêng của TS-BS Hiệp ở nơi công tác (trước tháng 9-2002 tại BV Bình Dân và từ 9-2002 đến nay tại BV Nhân dân Gia Định). Nếu gộp cả những ca phát hiện ở những BV khác và những ca bị bỏ sót thì con số thực tế chắc chắn phải lớn hơn rất nhiều.
HKTMS xảy ra khi một tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch lớn nằm sâu trong cơ thể, khác với tĩnh mạch nông nhìn thấy ngoài da) bị bít tắc hoàn toàn hay một phần vì cục máu đông. Hậu quả là máu không thể lưu thông bình thường, dẫn đến phù nề ở chi, rối loạn biến dưỡng vùng da, nặng hơn thì chi bị hoại tử phải cắt cụt, và nếu cục máu đông bong ra chạy lên phổi sẽ dẫn đến chứng thuyên tắc phổi khiến bệnh nhân tử vong chỉ trong vài giờ. Ngoài ra HKTMS cũng là nguyên nhân gây suy tĩnh mạch nông chi dưới mãn tính thứ phát.
Thống kê những trường hợp HKTMS, TS-BS Lê Nữ Hòa Hiệp nhận diện 6 yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh này là: Viêm tĩnh mạch huyết khối (16,3%), nằm bất động lâu ngày (14%), sau phẫu thuật tổng quát (12%), sau phẫu thuật chỉnh hình (9,7%), thai kỳ (4%), tiểu đường (4%), ngoài ra còn có nhóm nguyên nhân bệnh di truyền thiếu antithrombin III, thiếu protein C gây HKTMS ở 3%-8% người dưới 45 tuổi... Bệnh nhân thường đi khám bệnh với 3 triệu chứng chính: chân to một bên bất thường, nặng chân, đau chân. Những triệu chứng khác là da bị tím tái, thâm đen, loét da (dấu hiệu rối loạn biến dưỡng); chân nóng, đỏ, toàn thân sốt (dấu hiệu nhiễm trùng). Nếu có biến chứng thuyên tắc phổi, bệnh nhân sẽ khó thở dữ dội, ho ra máu. Khi còn làm việc ở BV Bình Dân, TS-BS Hiệp đã gặp 2 ca tử vong nghi do thuyên tắc phổi ở 2 bệnh nhân có HKTMS. Tương tự tại BV Nhân dân Gia Định năm 2003 có 30 ca HKTMS thì 1 ca tử vong nghi do thuyên tắc phổi. Rất tiếc cả 3 bệnh nhân đều không được mổ xác nên chẩn đoán cuối cùng chưa khẳng định. Nếu chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng dễ nhầm lẫn với các bệnh cảnh suy hô hấp do nguyên nhân khác, do đó cần CT scan để thấy huyết khối ở động mạch phổi.
Theo BS Lưu Hiếu Thảo, Khoa Siêu âm BV Nhân dân Gia Định, ngày nay nhờ kỹ thuật siêu âm Doppler, việc chẩn đoán xác định HKTMS không còn là chuyện khó. Hiện tại các BV lớn ở TPHCM đều trang bị máy này. Kỹ thuật làm đơn giản, không xâm hại đến cơ thể bệnh nhân, rẻ tiền (khoảng 60.000 đồng/lần), nhanh chóng (15-30 phút), hiệu quả cao (hơn 95%).
Bình luận (0)