Ngày 29-11, đoàn công tác Bộ Y tế đã làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM bàn giải pháp tháo gỡ thực trạng quá tải bệnh viện trên địa bàn TP hiện nay.
Như ùn tắc giao thông
Theo Sở Y tế TPHCM, trong những năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp chống quá tải ở các bệnh viện và bước đầu cũng tạo được một số kết quả. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân khám chữa bệnh không ngừng tăng nên tình trạng quá tải vẫn trầm trọng. Từ đầu năm đến nay, tại các bệnh viện ở TPHCM có hơn 29 triệu bệnh nhân đến khám (tăng 2,26% so cùng kỳ năm 2010), gần 1,2 triệu lượt bệnh nhân điều trị nội trú và gần 4,3 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú.
Bệnh nhi và người nuôi bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nằm tràn lan ngoài hành lang
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết tình trạng quá tải hiện nay có một phần do các bệnh viện quận, huyện tại TP chưa hoạt động hết chức năng. Khảo sát mới nhất cho thấy hệ thống cơ sở y tế này chỉ mới “chạy” được 60% công suất so với yêu cầu. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết số giường bệnh ở nước ta còn quá thấp, mới chỉ có 20,4 giường/10.000 dân, trong khi đó tại các nước trong khu vực tỉ lệ này là 33,4 giường/10.000 dân. Ông Khuê ví von: “Quá tải bệnh hiện nay chẳng khác gì tình trạng ùn tắc giao thông”.
Bức thiết nhưng còn phải chờ
Theo lãnh đạo các bệnh viện đang bị quá tải của TP, để góp phần giải quyết tình trạng quá tải thì không cách nào khác, cơ sở y tế tuyến tỉnh cần đủ nhân lực, vật lực, trang thiết bị, trình độ kỹ thuật chuyên môn đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tại địa phương. “Thực tế, một số nơi dù đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao nhưng lại “trùm mền” và người bệnh lại đổ về TP” - một lãnh đạo bệnh viện cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, việc chống quá tải bệnh viện là mục tiêu trọng tâm lâu nay và đã quy hoạch đầu tư xây dựng nhiều bệnh viện mới. Tuy nhiên, do yêu cầu cắt giảm đầu tư công của Chính phủ nên các công trình còn giậm chân tại chỗ. Song, đây chỉ là khó khăn tạm thời, TP chuẩn bị ghi vốn tiếp tục thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng tìm giải pháp giảm tải bệnh viện là vấn đề bức thiết và cũng là ưu tiên số một trong bảy nhóm hành động chính của Bộ Y tế hiện nay. Bộ trưởng đồng thuận với các giải pháp mà TPHCM đưa ra và đề nghị TP phải làm cho bằng được. “Tình trạng quá tải là bộ mặt, chân dung không thể nào chấp nhận được đối với ngành y tế. Không có sự tham gia của toàn xã hội thì mất chục năm nữa cũng chưa giải quyết xong vấn đề này” - bà Tiến nhấn mạnh.
TS Lương Ngọc Khuê cho hay có 6 nhóm giải pháp chống quá tải bệnh viện do Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ. Đó là: mở rộng bệnh viện; tăng cường biện pháp chuyên môn kỹ thuật; cải cách thủ tục hành chính, quy định chế tài; nghiên cứu tài chính y tế-viện phí; xây dựng thực hiện chính sách, tăng cường nguồn lực tuyến dưới; truyền thông giáo dục nhận thức cho người dân.
Xây mới 7 bệnh viện Về giải pháp giảm tải bệnh viện, ông Hứa Ngọc Thuận kiến nghị các bộ, ngành liên quan cấp Trung ương cần nhanh chóng cho phép TP thực hiện các công trình để phục vụ dân sinh. Theo đó, năm 2014, TP phải xây được 4 bệnh viện mới, gồm: Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Nhi Đồng TP (với quy mô 1.000 giường), cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu tại quận 9 và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới. Năm 2015 sẽ tiếp tục xây 3 bệnh viện khác. Phát triển thêm nhân lực để đạt tỉ lệ 15 bác sĩ/10.000 dân. Đầu tư trang thiết bị cho tuyến bệnh viện quận, huyện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu…
Bình luận (0)