Sau hơn 3 năm yêu nhau, chị T.T.H (28 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dự định kết hôn. Sau nhiều lần được người quen hướng dẫn nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, chị H. mới thuyết phục người yêu đến bệnh viện kiểm tra.
Vô tình phát hiện bệnh
Tại bệnh viện, sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chị H. phát hiện bị u nang buồng trứng. Điều này có thể ảnh hưởng khả năng có thai tự nhiên. May mắn phát hiện sớm nên chị H. điều trị kịp thời. Hiện chị và người yêu đã kết hôn, đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.
Trong khi đó, vợ chồng anh T.T.K (34 tuổi, ngụ TP HCM) sau 5 năm kết hôn vẫn chưa có con dù không sử dụng các biện pháp tránh thai. Đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ phát hiện số lượng tinh trùng của anh K. rất ít, chất lượng yếu. Nếu đến khám trước khi kết hôn, tình trạng của anh có thể cải thiện và vợ chồng anh không lãng phí 5 năm mong con.
Bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc, Trưởng Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), cho biết bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp mắc u nang buồng trứng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như chị H. Nhiều cặp đôi đến khám sau khi kết hôn nhiều năm mà không có con. Khi tuổi càng lớn, việc điều trị cho các bệnh lý liên quan chức năng sinh sản càng khó khăn.
Theo bác sĩ Lộc, khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với phụ nữ, thường gặp các bệnh lý liên quan buồng trứng như suy buồng trứng, u nang buồng trứng, viêm tắc vòi trứng…; còn đối với nam, thường gặp tình trạng tinh trùng yếu. "Tỉ lệ này ngày càng nhiều, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đáng chú ý, hiện tại vẫn chưa tìm được nguyên nhân khiến tinh trùng ở nam giới ngày càng yếu" - bác sĩ Lộc nói.
Bác sĩ Lộc nhấn mạnh khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trước khi kết hôn có thể bảo vệ sức khỏe, tầm soát, phòng ngừa, phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; viêm gan B, C; giang mai; bệnh di truyền; tinh trùng yếu, nang buồng trứng… Phát hiện bệnh sớm mới có thể điều trị kịp thời, bảo đảm sau khi kết hôn thì quá trình mang thai an toàn để sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Trước quan điểm còn trẻ tuổi và thường xuyên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ nên không cần khám tiền hôn nhân, bác sĩ Lộc cho biết khám tiền hôn nhân yếu tố chính là khám các chức năng sinh sản nên cần một số xét nghiệm chuyên sâu hơn, không giống khám tổng quát để kiểm tra bệnh lý.
Thông thường, các cặp đôi bắt đầu đi khám sức khỏe tiền hôn nhân khi chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể đi khám sớm hơn để sàng lọc các vấn đề sức khỏe. "Tốt nhất nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu là 3 - 6 tháng trước khi kết hôn để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Đối với nữ, thời điểm khám tốt nhất là đang ở ngày kinh thứ 5-6. Còn nam giới, khi đi khám cần kiêng xuất tinh trước đó 3 ngày" - bác sĩ Lộc tư vấn.
Nâng cao chất lượng dân số
Hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích cho các cặp vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dân số.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước cần thiết giúp thanh niên - nhất là các cặp đôi chuẩn bị kết hôn - chuẩn bị kiến thức, tâm lý, sức khỏe để khởi đầu cuộc sống hôn nhân và tình dục khỏe mạnh, an toàn.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, giúp các cặp đôi chủ động tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan sức khỏe sinh sản, khả năng mang thai và sinh con. Đặc biệt, hạn chế tỉ lệ mắc các dị tật bẩm sinh do di truyền từ cha mẹ. Ngoài ra, đây còn là giải pháp giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình khi các cặp vợ chồng tương lai có được kiến thức hữu ích, tâm lý vững vàng, tránh tình trạng rối loạn cảm xúc, lo lắng hay nghi ngờ lẫn nhau liên quan việc sinh con. Thêm vào đó, nam nữ thanh niên sẽ được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thai, kế hoạch hóa gia đình phù hợp nhất, tránh tình trạng phải nạo phá thai do mang thai ngoài ý muốn.
Bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc, Trưởng Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), thăm khám cho người bệnh hiếm muộn
Chưa được quan tâm
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng nhiều người chưa quan tâm, vẫn thờ ơ với khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nhiều người lâu nay vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn, do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho là "chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám".
Theo thống kê tại Bệnh viện Hùng Vương, mỗi năm có 40.000 - 45.000 trẻ được sinh ra. Riêng tại Khoa Hiếm muộn có khoảng 30.000 lượt khám, trong đó chỉ khoảng 200 - 300 lượt khám tiền hôn nhân. "Khám tiền hôn nhân có thể thực hiện tại các khoa khác trong bệnh viện. Tuy nhiên, hầu hết khám tiền hôn nhân sẽ kiểm tra sức khỏe sinh sản nên nếu phát hiện các vấn đề bất thường, người bệnh sẽ được can thiệp chuyên sâu. Điều này chỉ có thể thực hiện tại khoa hiếm muộn. Với tỉ lệ trên cho thấy hiện nay, khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa được mọi người quan tâm. Trong khi đó, hiện tỉ lệ hiếm muộn ngày càng cao - chiếm khoảng 20%-30%, tức là 100 cặp vợ chồng có khoảng 20 - 30 cặp hiếm muộn" - bác sĩ Lý Thái Lộc lo ngại.
Còn theo ông Nguyễn Chánh Trung, thống kê từ năm 2017 đến 2022, tỉ lệ khám tiền hôn nhân ở Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tăng từ 319 cặp lên 950 cặp. Dù tỉ lệ tăng nhưng số lượng các cặp đôi khám sức khỏe trước khi kết hôn vẫn rất thấp.
Bác sĩ Lý Thái Lộc lưu ý để có cuộc sống hôn nhân bền vững, các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tại bệnh viện phụ sản, chuyên khoa phụ sản ở các bệnh viện hay trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản.
50% ca vô sinh có tuổi dưới 30
Tổ chức Y tế thế giới cho biết ở thế kỷ XXI, vô sinh - hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba - đứng sau ung thư, bệnh tim mạch. Thống kê cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh ở độ tuổi dưới 30.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) tăng đến 15% - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Bình luận (0)