Học tây y nhưng làm giám đốc một bệnh viện (BV) y học cổ truyền, không có chứng chỉ tin học nhưng lại viết nhiều phần mềm tin học chuyên ngành... Bác sĩ (BS) Lê Bá Thính, Giám đốc BV Y học cổ truyền Phú Yên, chính là người của những câu chuyện khó tin ấy.
Cuộc rẽ ngang vì đam mê
Chúng tôi phải thuyết phục mãi, Thầy thuốc Ưu tú Lê Bá Thính mới đồng ý nói về ông. Theo BS Thính, ông làm thầy thuốc chỉ có một mục đích là cứu người.
Khuôn mặt BS Thính góc cạnh, nam tính, ẩn chút khắc khổ của con người đam mê khoa học nhưng lại toát lên sự ân cần, dịu dàng, quan tâm đến người khác từ cử chỉ đến giọng nói. Chứng kiến ông thăm khám bệnh nhân, điều làm tôi sửng sốt không phải là thái độ ân cần vốn có mà khả năng nhớ từng người bệnh ở ông. Trong hàng trăm bệnh nhân được thăm khám sáng hôm ấy, dường như ông đều nhớ cả.
“Sáng nay, chân chú Bảy sao rồi?”. “Lưng chị Năm đỡ đau chưa?”… Cứ thế, ông lần lượt hỏi thăm và khám bệnh. Nhiều khi trông ông như một BS điều trị hơn là một vị giám đốc BV. Tôi cũng chỉ gặp ông một lần khi xin giấy chuyển viện cho người nhà bị tai nạn cách đây gần 1 năm. Vậy mà vừa gặp, ông đã hỏi thăm: “Cháu nó khỏe rồi hả em?”.
Ông Thính học tại Trường ĐH Y khoa Huế chuyên ngành nội khoa, niên khóa 1976-1982. Ngay sau khi ra trường, ông được phân công về làm BS điều trị tại Viện Điều dưỡng II của Bộ Lâm nghiệp đóng tại thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh (cũ). Sau năm 1989, ông được điều về làm BS điều trị tại BV Y học cổ truyền Phú Yên. Một cuộc rẽ ngang bất đắc dĩ ngày ấy lại là bệ phóng cho niềm đam mê y học dân tộc ở ông.
“Ngày đó, chẳng BS nào muốn chuyển từ tây y sang y học cổ truyền vì trong cách nhìn của xã hội, BS tây y oách hơn, dễ kiếm tiền hơn. Nhưng tôi cứ nhớ hình ảnh cha mình chăm sóc cho người bệnh mà mê mẩn. Lúc tôi thi, Trường ĐH Y khoa Huế không có Khoa Y học cổ truyền, nếu có thì tôi đã đăng ký rồi” - ông nhớ lại.
Trong thời gian làm BS điều trị ở Viện Điều dưỡng II, ông Thính nhận ra có một số bệnh, nền y học hiện đại phải bó tay nhưng y học cổ truyền có thể giúp người ta chữa khỏi, nhất là các bệnh mạn tính. “Nền y học cổ truyền có cả bề dày lịch sử đáng trân trọng. Trước khi Pháp sang, dân tộc ta chẳng phải nhờ y học cổ truyền để tồn tại và phát triển đó sao? Nếu biết kết hợp đông - tây y để chữa bệnh, tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn”- vị BS 57 tuổi, tóc đã hoa râm này tâm sự.
BS Thính đã kết hợp đông - tây y để điều trị cho bệnh nhân. Ngay cả việc khám bệnh, ông vừa sử dụng các thiết bị siêu âm, chụp X-quang nhưng cũng vận dụng cả thao tác bắt mạch. Ông đã thổi tình yêu y học cổ truyền vào những BS tây y. Đến nay, đã có 6 BS tây y đi học chuyên khoa 1 về y học cổ truyền và về công tác tại BV Y học cổ truyền Phú Yên.
Tâm huyết với y học cổ truyền nên ngoài việc điều hành BV, chăm sóc bệnh nhân, ông còn nghiên cứu nhiều đề tài phát triển các bài thuốc nam, như đề tài “Nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu về cây thuốc nam và những bài thuốc y học cổ truyền thông dụng ở tỉnh Phú Yên để phổ biến phòng và chữa bệnh cho nhân dân”. Ngoài ra, ông còn chịu trách nhiệm giảng dạy ở Khoa Y học cổ truyền Trường CĐ Y tế Phú Yên để truyền ngọn lửa đam mê y học dân tộc cho lớp đàn em.
Học tin học bằng học thuyết âm dương
Theo BS Thính, học y học cổ truyền, không BS nào không thấm nhuần học thuyết âm dương - vốn được xem là nền tảng của y học phương Đông. Học thuyết về tiến hóa trong cái nhìn sự vật luôn có mâu thuẫn nhưng thống nhất với nhau, không ngừng vận động, biến hóa để phát sinh, phát triển và tiêu vong. Tuy nhiên, có lẽ ít ai như ông, học tin học dựa trên học thuyết âm dương.
“Tôi thấy học thuyết âm dương được xây dựng trên cơ sở gần như tương đồng với toán nhị phân, tương ứng với mã hóa của công nghệ thông tin dựa trên hệ đếm cơ bản 0-1. Vì vậy, tôi vận dụng học thuyết âm dương vốn đã thấm nhuần để mày mò học tin học” - BS Thính kể.
Càng tìm hiểu tin học, ông lại càng say mê. Thức đến 1-2 giờ sáng đối với ông là chuyện thường. Chưa hề bước qua trường lớp nào và cũng không có chứng chỉ gì về tin học nên khi ông công bố các đề tài khoa học về… lập trình, nhiều người rất bất ngờ. Những đề tài ấy đều được phê duyệt, như: “Thiết kế và xây dựng phần mềm tin học y dược học cổ truyền”, “Châm cứu Việt Nam”, “Tra cứu đông y”, “Tra cứu website y tế chạy cả trên máy tính và điện thoại di động hệ 3G”…
BS Thính mua nhiều sách tin học về nhà mày mò ngôn ngữ lập trình, thuật toán và thuật giải. “Nhiều người hỏi tôi có bằng cấp gì về tin học không, tôi trả lời thật mà họ không tin. Cũng lạ! Đâu phải có bằng cấp mới lập trình được?” - ông cười.
BS Thính cùng quê Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế với cố nhà thơ Phùng Quán. “Ngày anh Quán còn sống, thỉnh thoảng về quê, chúng tôi lại có dịp hàn huyên. Những lúc trà dư tửu hậu, anh thường bảo rằng sống phải có tâm và chính kiến của mình. Tôi đã học ở anh tính kiên định và tấm lòng luôn sẻ chia, quan tâm đến người khác” - ông bộc bạch.
“BS Lê Bá Thính là một thầy thuốc yêu nghề, tận tụy với bệnh nhân mà nhiều BS trẻ phải kính trọng” - BS Huỳnh Lê Xuân Bích, Chánh Văn phòng Sở Y tế Phú Yên, nhận xét.
Kỳ tới: Người dọn đường cho y học gia đình
Bình luận (0)