"Các bệnh viện sẽ tự chủ toàn diện về tài chính và nhân lực, không còn bao cấp nữa. Vì vậy, bệnh viện phải xác định phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ y tế. Điều này đặt ra yêu cầu hàng đầu là vấn đề chất lượng phục vụ" - Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc bệnh viện nhấn mạnh.
Mong muốn bác sĩ "niềm nở hơn"!
Lần đầu tiên, các bệnh viện (BV) công lập đã có những điều tra toàn diện, chi tiết với mong muốn được biết những lý do khiến bệnh nhân không hài lòng. Bác sĩ Trần Phan Dương, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư (Hà Nội) đã bày tỏ: "Dựa vào kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh trên từng khía cạnh chăm sóc và phục vụ, sẽ tìm được ra những thiếu sót, để khắc phục và nâng dần chất lượng phục vụ. Hầu hết bệnh nhân hài lòng đối với BV, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục: thái độ nhân viên niềm nở hơn, các bác sĩ phải giải thích cho bệnh nhân cặn kẽ hơn và vẫn còn hiện tượng gây khó khăn phiền hà cho người bệnh". Tại BV này, 22% người được phỏng vấn cho rằng: "Nhân viên y tế có thái độ bình thường và không cảm thông với bệnh tật của người bệnh".
PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) thì nói: "Mỗi người bệnh khi vào điều trị đều mong muốn mình được bác sĩ, điều dưỡng phục vụ ngay. Mặc dù hơn 96% bệnh nhân được phỏng vấn đã chấp nhận thời gian chờ để khám bệnh, nhưng cũng còn một số trường hợp phải chờ đợi quá lâu. Việc này là không thể được. Nó không những thể hiện cách thức quản lý của BV mà còn phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên y tế".
Bệnh nhân sẽ là "khách hàng"
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng nhấn mạnh: "BV phải làm cho bệnh nhân hài lòng, thậm chí là cả người nhà, người thân quen của bệnh nhân cũng được hài lòng. Để tự chủ BV thì vấn đề trước nhất phải là chất lượng. Quy trình quản lý phải đạt ISO còn chất lượng phục vụ phải xếp hạng "sao" như xếp hạng khách sạn. Các BV cần xác định, sẽ phải phát triển theo cơ chế dịch vụ, tất nhiên vẫn không được bỏ qua các đối tượng chính sách cần được ưu đãi".
BS Trần Phan Dương, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư: "Sự hài lòng của bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị tại BV thể hiện sự chăm sóc, tinh thần, thái độ phục vụ và chất lượng điều trị của BV. Ngay cả khi sự hài lòng của bệnh nhân chiếm tỷ lệ cao thì cũng vẫn đòi hỏi BV ngày càng cải tiến cung cách phục vụ, phát triển khoa học kỹ thuật để ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh".
Một số lãnh đạo BV thì cho rằng, với xu hướng phát triển này, bệnh nhân sẽ trở thành những "khách hàng" đặc biệt, ngày càng có quyền đòi hỏi BV phục vụ chu đáo hơn. Và tại hội nghị, các giải pháp nâng cao chất lượng điều trị đã được những người đứng đầu BV đưa ra hết sức thẳng thắn. BS Lê Văn Thiểm, Giám đốc BV Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí - Quảng Ninh) cho biết: Để đạt được mục tiêu "Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh", BV đã xây dựng chỉ số đánh giá chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc 200 bệnh thường gặp. Ngoài ra còn xây dựng một chương trình riêng cho việc "giảm phiền hà cho người bệnh".
Còn tại BV K và BV Bạch Mai, để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, các nhân viên y tế thuộc bộ phận đón tiếp bệnh nhân phải... dậy sớm và có mặt từ 6 giờ 30 phút sáng để làm thủ tục.
Tại khu vực phía Nam, lãnh đạo BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng cho biết: đã triển khai "Chương trình quản lý nguy cơ lâm sàng", giúp nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, quản lý nguy cơ sai sót tiềm ẩn để chủ động ngăn ngừa, giúp phát hiện các nguy cơ sai sót trong quy trình chăm sóc điều trị để có hướng can thiệp trước khi gây nguy hại. Và hiệu quả của chương trình là hết sức đáng kể: từ đầu năm 2006, không có ca tai biến do dùng thuốc tại BV, không có tai biến do truyền máu, gây mê; không có trường hợp bệnh nhân ngã từ giường xuống và... không có cái gạc nào bị bỏ quên sau phẫu thuật!
Bình luận (0)