Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, nhiều bà mẹ trẻ vẫn còn băn khoăn bàn chuyện tiêm chủng và căn bệnh bạch hầu - một bệnh đã rất hiếm gặp từ lâu bỗng quay lại lấy đi sinh mạng của nhiều người dân tại tỉnh Quảng Nam. Một số bà mẹ đã từng nghe nói bệnh này nguy hiểm trong lúc học môn sức khỏe ở cấp tiểu học nhưng chứng kiến về một trường hợp cụ thể thì chưa bao giờ. Nhiều người không để ý rằng con họ và đôi khi chính bản thân họ đã được tiêm ngừa những bệnh này từ khi mới vài tháng tuổi với các mũi tiêm 5 trong 1, 6 trong 1 được dư luận bàn luận sôi nổi thời gian qua.
Ít gặp nhưng vẫn có nguy cơ
Ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Quảng Nam được phát hiện mới đây không phải là lần đầu có hiện tượng các bệnh “cũ”, bệnh ít gặp đột ngột quay lại và đe dọa trẻ thời gian gần đây như những trường hợp mắc ho gà (chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc) tăng lên ở giai đoạn cuối năm 2014, đầu năm 2015 hay dịch sởi trước đó với rất nhiều trẻ em trên cả nước mắc phải. Theo nhiều chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân tác động đến sự quay lại của các căn bệnh này là việc tiêm chủng không đầy đủ hay chậm trễ (do không nắm lịch tiêm chủng, không tiêm vì sợ phản ứng phụ hoặc tiêm trễ vì chờ vắc-xin dịch vụ).
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời thường được chủng ngừa khá nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, viêm gan siêu vi B, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não do Hib, sởi… Sở dĩ các căn bệnh này được khuyến cáo chủng ngừa và được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vì chúng nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao, dễ để lại di chứng và rất nguy hiểm nếu trẻ mắc phải vào giai đoạn đầu đời.
Ngày nay, dù y học có nhiều tiến bộ nhưng đây vẫn luôn là những căn bệnh đáng lo ngại. Ví dụ như bạch hầu sẽ gây sốt, ho, khan tiến, nổi các mảng trắng ở vùng hầu họng; khi các mảng trắng lan rộng có thể làm tắc đường thở bệnh nhân; nội độc tố bạch hầu thì gây biến chứng viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao… Bệnh ho gà thì gây ho kéo dài, tím tái, suy hô hấp… và thường rất nặng nếu người mắc là trẻ nhỏ. Bệnh sởi gây những biểu hiện nặng ở da và hệ hô hấp, có thể dẫn đến biến chứng suy dinh dưỡng kéo dài và đặc biệt nguy hiểm nếu trẻ mắc ở thời điểm lúc 1 tuổi…
Ngại sốt, hãy theo dõi kỹ sau tiêm
BS Khanh cũng cho biết thực ra, nhiều căn bệnh trong số này đã được tiêm chủng cho nhiều thế hệ trẻ em và nhiều trẻ được tiêm chủng khi xưa nay đã ở tuổi làm cha mẹ, ví dụ như vắc-xin 3 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà). Do đặc tính của nó, đây vẫn là những loại vắc-xin hay gây sốt sau tiêm, phần lớn những cơn sốt nhẹ ấy là phản ứng rất bình thường của cơ thể khi hệ miễn dịch tiếp xúc với kháng nguyên được đưa vào.
Theo BS Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em và Phòng chống suy dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, những căn bệnh này tuy đã được kìm hãm và không còn phổ biến nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm nay nhưng vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng và trẻ có thể mắc nếu lỡ tiếp xúc với mầm bệnh mà chưa được tiêm chủng. Còn mối lo ngại của phụ huynh là vấn đề sốt và biến chứng sau tiêm. Thực ra, nhiều phụ huynh chắc chắn không thể nhớ nổi hồi bé mình đã được tiêm và từng sốt như thế nào. “Có đến 90% các em bé sẽ bị sốt sau khi tiêm ngừa, nhất là loại vắc-xin 5 trong 1 nhưng thường sẽ qua khỏi sau 48 giờ. Đơn vị tiêm chủng có nhiệm vụ hướng dẫn phụ huynh theo dõi sau tiêm và phụ huynh nên kịp thời đưa trẻ đến BV nếu có phản ứng nặng như sốt cao khó hạ, bỏ bú, có phản ứng nặng tại vị trí tiêm… Những trường hợp phản ứng nặng thường rất ít nhưng luôn cần đề phòng” - BS Dương khuyến cáo.
Nhiều người có sự so sánh giữa vắc-xin dịch vụ và vắc-xin tiêm chủng mở rộng khi trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ thường ít bị sốt hơn. Điều này được các chuyên gia giải thích rằng vì vắc-xin dịch vụ hiện nay là những loại mới, tiên tiến hơn, giúp bỏ bớt các phản ứng phụ và đương nhiên giá mắc hơn nhiều lần và khá khan hiếm. Nhiều phụ huynh cố chờ vắc-xin dịch vụ để an tâm hơn nhưng vô tình làm giảm tác dụng của thuốc bởi khoảng cách giữa các mũi tiêm bị kéo dài quá nhiều tháng so với lịch quy định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ đối mặt với các căn bệnh này hơn.
Trả lời bảng câu hỏi để hạn chế phản ứng phụ
Thông thường, trước khi tiêm chủng cho bé, phụ huynh đều được cơ sở y tế đưa cho một bảng câu hỏi để đánh dấu cũng như được hỏi thêm về sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh, các vấn đề liên quan đến tiêm chủng... BS Nguyễn Ngọc Thùy Dương khuyên các bậc cha mẹ hãy đọc và điền thật kỹ vào bảng câu hỏi này vì chúng quyết định rất lớn trong việc hạn chế các phản ứng phụ sau tiêm của trẻ, giúp thầy thuốc biết được trẻ có bảo đảm sức khỏe để được tiêm loại thuốc đó hay không.
Bình luận (0)