Mới đây, Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP HCM) đã mổ sinh thành công cho một cháu bé bị dây rốn quấn chặt nhiều vòng quanh cổ, chéo từ vai xuống eo, quấn thêm 1 vòng quanh eo. Rất may tình trạng của dây rốn không gây tổn hại gì cho bé và người mẹ cũng "vượt cạn" thuận lợi nhờ sự trợ giúp của ê-kíp phẫu thuật.
Đủ kiểu, đủ dạng
Năm ngoái, BV Từ Dũ TP HCM cũng cứu sống một bé gái gặp tình trạng nguy hiểm không kém: dây rốn quấn cổ đến 5 vòng. May mắn em bé đã có thể ra đời theo ngả tự nhiên, nhờ các thiết bị theo dõi hiện đại.
Vài tháng sau đó, BV này gặp trường hợp em bé bị dây rốn thắt tới 2 nút, tình trạng này có thể gây đột tử. Bé trai này may mắn thoát hiểm sau ca mổ lấy thai khẩn cấp. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, một em bé khác đã mất trong lúc chuyển dạ vì 1 nút thắt dây rốn.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Thông, chuyên khoa sản phụ, Phòng khám Đa khoa - chuyên khoa, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, kể lại một ca hy hữu và nguy hiểm ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM (thời điểm trước khi sáp nhập). Đó là một thai phụ đến khám thai trông hết sức bình thường nhưng khi một nữ hộ sinh dày dạn kinh nghiệm thăm khám đã phát hiện thai phụ bị sa dây rốn - một biến chứng nguy hiểm có thể khiến em bé mất mạng ngay lập tức. Nữ hộ sinh này đã nhanh trí xử lý, bà đặt nguyên bàn tay trong âm đạo sản phụ để giữ cho dây rốn không bị sa xuống thấp và theo xe cấp cứu chuyển bệnh nhân lên BV tuyến trên. Cháu bé sau đó đã được cứu sống.
Một ca khám thai tại Bệnh viện Hùng Vương. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nguy hiểm tùy mức độ
BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), cho biết mối lo lớn nhất khi có bất thường ở dây rốn là làm dây rốn bị chèn ép, làm suy giảm hoặc cắt đứt nguồn cung cấp máu mẹ và con. Trong các hiện tượng trên, dây rốn quấn cổ nhìn có vẻ đáng sợ nhất nhưng lại ít nguy hiểm nhất.
"Việc em bé có dây rốn quấn quanh cổ 1-2 vòng trong thai kỳ không phải là hiếm, hầu hết vòng quấn sẽ tự tháo ra khi bé tiếp tục di chuyển, xoay trong bụng mẹ. Dây rốn quấn cổ không phải chỉ định mổ lấy thai, cho dù đến khi ra đời em bé vẫn còn 1-2 vòng dây rốn trên cổ. Đó là lý do vì sao một số em bé dây rốn quấn cổ vẫn ra đời sau cuộc sinh thường. BS sẽ cân nhắc nhiều yếu tố khi xử lý tình trạng dây rốn "nổi loạn" này" - BS Hải cho biết.
Cũng theo BS Hải, một số trường hợp dây rốn quấn cổ gây nguy hiểm, cần can thiệp đặc biệt là khi dây rốn bị siết quá chặt, quấn phức tạp nhiều vòng, dẫn đến bản thân dây rốn bị chèn ép, hạn chế lưu lượng máu từ mẹ sang con, có thể dẫn đến suy thai. Tuy nhiên, tình huống này hiếm gặp.
Hai vấn đề thực sự gây nguy hiểm là dây rốn thắt nút và sa dây rốn, có thể dẫn đến suy và ngưng tim thai đột ngột do nguồn cấp máu bị cắt đứt. Nguy hiểm nhất là trong quá trình chuyển dạ: nút thắt dây rốn dễ bị siết chặt đột ngột khi em bé dần ra khỏi bụng mẹ; hoặc dây rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu khi bị sa.
Một số trường hợp có thể được phát hiện trong quá trình khám thai hoặc thăm khám trực tiếp khi nhập viện. Người mẹ thường được yêu cầu sinh mổ nếu dây rốn thắt nút được phát hiện sớm. Còn sa dây rốn là một tình huống cấp cứu sản khoa.
Một vấn đề nữa mà nhiều bà mẹ lo lắng là tình trạng dây rốn bị vôi hóa, có thể gặp trong một số bào thai quá ngày. Cách đề phòng là nếu đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì, thai phụ nên đến bệnh viện kiểm tra, tùy vào tình hình sẽ được chỉ định áp dụng các biện pháp kích thích chuyển dạ hay sinh mổ.
BS Nguyễn Ngọc Thông tư vấn tuy không thể phát hiện hết 100% nhưng các biện pháp khám thai thông thường, siêu âm vẫn có thể giúp tìm ra sớm một số bất thường ở dây rốn. Tùy mức độ mà BS sẽ có hướng dẫn riêng cho thai phụ, ví dụ nếu có nguy hiểm thì cần khám thai thường xuyên hơn, khám và chuẩn bị sinh ở BV tuyến trên, BV chuyên khoa sản, cách theo dõi hiện tượng thai máy…
Theo các chuyên gia, tuy một số bất thường như dây rốn thắt nút, sa dây rốn, vôi hóa dây rốn… là nguy hiểm nhưng chúng đều hiếm gặp, vì vậy các thai phụ không nên quá lo lắng.
Bình luận (0)