Nếu vì lý do nào đó, như chấn thương, viêm tấy, xuất huyết, bội nhiễm... khiến phần lớn cầu thận không còn hoạt động như mong muốn thì tình trạng suy thận xuất hiện với hậu quả là các chất thải như urê, creatinin, axít uric... tích lũy trong máu rồi vượt quá định mức bình thường. Cơ thể vì thế chẳng khác nào bị ngộ độc liên tục từ bên trong. Khi đó, nạn nhân chỉ còn cách trông mong vào chiếc máy lọc thận!
Thận thường bị đồng hóa với chức năng tiểu tiện. Đúng nhưng chỉ phản ánh một phần rất nhỏ về khả năng đa dạng của trái thận. Thông qua chức năng bài tiết phế phẩm và tái hấp thu dưỡng chất, thận không ngừng lọc máu và điều chỉnh lượng nước trong cơ thể. Bên cạnh đó, thận tham gia vào tiến trình biến dưỡng sinh tố D để chất vôi nhờ đó ở lại trong mô xương thay vì thất thoát qua đường tiểu. Thận đồng thời phóng thích nhiều nội tiết tố quan trọng như erythropoetin để tạo hồng cầu, renin để điều chỉnh huyết áp... Chính vì thế mà bệnh thận không chỉ dẫn đến rối loạn chức năng tiểu tiện. Bất kể vì nguyên nhân gì, bệnh thận bao giờ cũng mở ngõ cho cao huyết áp, thiếu máu, bệnh gút...!
Đáng nói trong bối cảnh y tế ở xứ mình chính là các yếu tố đòn bẩy cho bệnh thận nhưng lại ít khi được lưu ý đúng mức. Đó là:
- Viêm cầu thận cấp không được điều trị đến nơi đến chốn, phần lớn là trẻ con.
- Tiểu đường không được phát hiện vì thiếu biện pháp tầm soát hoặc tuy đã biết nhưng không được điều trị đúng bài bản.
- Lạm dụng thuốc giảm đau do mua thuốc bất cần toa.
Nhiêu khê hơn nữa cho bệnh nhân lẫn thầy thuốc là bệnh thận, dù là nguyên nhân hay hậu quả, ít khi có dấu hiệu báo động trước khi đi đến giai đoạn suy thận hay nếu có lại mơ hồ khiến không ít thầy thuốc ít quan tâm đến trái thận. Đáng tiếc vì để kiểm soát chức năng thận lại tương đối đơn giản với phương tiện chẩn đoán hiện nay. Nên khám thận khi phát hiện các dấu hiệu dưới đây:
- Đau lưng âm ỉ ở vùng bẹ sườn dù không vận động nặng.
- Cơn đau quặn lan xuống bọng đái dù không mắc tiểu; tiểu ra máu.
- Nặng mí mắt khi thức dậy; phù mắt cá dù ngồi yên nhiều giờ; mắt quầng thâm dù ngủ đủ.
- Tê bàn tay, bàn chân.
- Biếng ăn kéo dài; buồn nôn không liên quan đến bữa ăn.
- Đau đầu sau vài giờ làm việc; mệt mỏi dù không lao tâm lao lực.
- Hôi miệng.
- Ngứa ngoài da dù đã dùng thuốc chống dị ứng.
- Rụng tóc, gãy móng tay vô cớ.
Bình luận (0)