Hằng năm, nước ta có khoảng 9.000-10.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trên 10.000 người bị thương và thương tật vĩnh viễn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Bên cạnh tình trạng đường sá chật hẹp, xuống cấp, số lượng xe máy và các phương tiện vận tải thô sơ tăng nhanh chóng mặt... còn có nguyên nhân chủ quan do người đi xe sử dụng rượu bia và rất đáng lo ngại là những người sử dụng các chất ma túy tham gia giao thông.
Theo giới chuyên môn, lịch sử của việc sử dụng ma túy ở Việt Nam có thể chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3 (có thể tính từ thập niên 1990 trở lại đây) đã bắt đầu xuất hiện một thế hệ nghiện ma túy mới. Đó là các chàng trai, cô gái trẻ, tuổi đời không quá 30. Họ liều lĩnh hơn, bất chấp và tàn độc hơn. Có khi chỉ vì một cơn vã thuốc, họ sẵn sàng cướp của giết người hoặc có những hành vi phạm pháp không gớm tay. Khác với 2 giai đoạn trước, ở giai đoạn này, chủng loại thuốc gây nghiện cũng đa dạng hơn, từ thuốc phiện nấu pha với các tân dược, heroin cho đến các thuốc gây ảo giác ectasy, LSD...
Sau khi dùng thuốc, họ thường bị ảo giác và thế là có lúc trông gà hóa cuốc, cứ nhắm cột điện hay con lươn giữa đường mà tông xe thẳng vào hoặc phải chạy xe hết tốc độ để đạt cảm giác “phê”. Dù vô tình hay cố ý, những người này cũng đã gây tai họa cho bản thân mình, cho gia đình và người khác. Bao nhiêu thảm cảnh tang thương đã được người viết bài này chứng kiến.
Phần lớn bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng hôn mê nhưng rất khó phân biệt đâu là hôn mê do dùng thuốc quá liều, đâu là do chấn thương sọ não. Phần lớn các trường hợp đều phải dựa vào chụp não bằng điện toán cắt lớp. Đã vậy, người nhà hoặc bạn bè thường giấu, không cho bác sĩ biết về tình trạng nghiện ngập của nạn nhân; các phương tiện để định lượng heroin còn thiếu thốn và không phải bệnh viện nào cũng có.
Phần lớn nạn nhân còn rất trẻ. Nếu không nghiện ma túy, không bị tai nạn, chắc rằng họ sẽ có nhiều đóng góp cho gia đình và cộng đồng.
Bình luận (0)