Các bác sĩ (BS) cảnh báo rằng không phải lúc nào các triệu chứng thực thể do stress cũng dễ dàng rút lui mà không để lại hậu quả, nhất là khi bạn để lâu không điều trị hoặc chủ quan "mai mốt hết căng thẳng là hết bệnh".
Trị từ gốc là tâm bệnh
Sau khi đi một vòng nhiều bệnh viện trị bệnh dạ dày mà không khỏi, bà M.T (doanh nhân; quận 5, TP HCM) đã được một BS chẩn đoán đau dạ dày do stress. Cho rằng "do stress thì từ từ ổn định việc là hết", bà T. không trị nữa. Một thời gian sau, bà phải nhập viện vì loét dạ dày rất nặng, chưa kể biểu hiện rối loạn lo âu, mất ngủ sau thời gian quá tham công tiếc việc.
BS chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, chia sẻ câu chuyện về một nữ bệnh nhân có triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh, có khi khó thở. Nghĩ rằng mình bị bệnh tim, bà đi khám và phát hiện nhịp xoang nhanh. Nhưng siêu âm thì tim không bị gì. Cuối cùng bà được chuyển đến chuyên khoa tâm thần kinh vì có BS nghi ngờ rằng bà bất ổn về mặt tâm lý. Quả thật, các triệu chứng đã giảm sau vài tuần được điều trị rối loạn lo âu, căn bệnh xảy ra do stress về việc gia đình.
Hoạt động giải trí lành mạnh như đọc sách sẽ giúp tinh thần được thư giãn, giúp phòng chống stress hiệu quả. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
"Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề sức khỏe mà nguyên nhân gốc rễ có thể là stress, ví dụ những cơn cao huyết áp, hội chứng ruột kích thích... Bởi lẽ stress ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thần kinh giao cảm, có thể tác động đến mọi cơ quan. Ví dụ nó làm tăng tiết axít trong dạ dày nên nhiều người khi căng thẳng hay đau dạ dày. Uống thuốc trị đau dạ dày chỉ chữa được phần ngọn. Nếu cái gốc là tâm bệnh chưa được điều trị triệt để thì các triệu chứng thực thể sẽ trở lại" - BS Trần Minh Khuyên nhấn mạnh.
Kiểm soát cảm xúc
Theo BS Trần Minh Khuyên, với những người có triệu chứng đau dạ dày, có khi ông phải kê thêm thuốc điều trị tâm bệnh cùng với thuốc trị đau dạ dày. "Vì khi dạ dày bị tăng tiết axít, triệu chứng viêm loét là có thật. Nếu để lâu, dạ dày bị viêm loét nặng thì có khi hết stress, dạ dày đã hỏng rồi" - BS Khuyên giải thích.
Các triệu chứng tim mạch cũng là vấn đề cần lưu tâm nếu chúng xuất hiện khi bạn nóng giận, căng thẳng. BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết sự thiếu kiểm soát cảm xúc là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh cao huyết áp. Nếu phát hiện huyết áp tăng đột ngột lúc đang nóng giận hay stress, đó là lúc nên có phương án điều chỉnh bản thân.
"Nếu đơn giản là bản tính hay nổi nóng hay căng thẳng nhất thời, nên cố gắng giúp tinh thần được thư giãn qua những việc đơn giản như tập thể dục hay các hoạt động giải trí lành mạnh. Nếu tập được các môn giúp rèn luyện khả năng kiểm soát cảm xúc như yoga thì càng tốt. Kết hợp thêm kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh, giảm mặn, giảm dầu mỡ cũng sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp" - BS Anh Vũ khuyên.
Dùng các thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân tiện lợi như các loại đồng hồ thông minh có thể đo nhịp tim, máy đo huyết áp tự động... theo kiểu quá ám ảnh cũng là vấn đề cần lưu tâm.
"Tôi từng gặp một nam bệnh nhân cũng bị tăng nhịp tim, hồi hộp, mà một trong những thứ gây stress trong cuộc sống của ông chính là cứ vài phút ông lại kiểm tra nhịp tim một lần. Càng quan tâm lo lắng lý do nhịp tim bị tăng, điều này khiến ông càng thêm stress. Nếu thấy bản thân không thể kiểm soát được việc theo dõi nhịp tim, huyết áp thì nên tìm đến sự trợ giúp của BS chuyên khoa tâm thần kinh" - BS Khuyên nhấn mạnh.
Bình luận (0)