Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã “choáng” trước sự quá tải của các bệnh viện (BV) ở TPHCM, nhưng ngay tại Hà Nội, sự quá tải ở các BV, đặc biệt là các BV chuyên khoa, BV có “thương hiệu” cũng rất khủng khiếp.
Quá tải thường xuyên
Mới đầu giờ sáng nhưng hành lang Khoa Khám bệnh BV Nhi Trung ương chật kín người. Tiếng trẻ con khóc, những mái đầu con trẻ hầm hập sốt và những khuôn mặt phờ phạc của người lớn vì chen chúc để được khám chữa bệnh khiến khu khám bệnh trở nên vô cùng ngột ngạt.
TS-BS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết quy mô phòng khám của BV phục vụ khoảng 400 bệnh nhi nhưng hiện nay mỗi ngày phải tiếp nhận từ 1.500 – 2.000 cháu, cao điểm lên tới 3.000 bệnh nhân nên luôn bị quá tải. Còn theo BS Đào Minh Tuấn, trưởng Khoa Hô hấp, khoa này có 75 giường bệnh nhưng thường xuyên phải điều trị từ 140 đến gần 200 bệnh nhân, bình quân mỗi giường có từ 2 đến 3 bệnh nhân.
Một giường 8 bệnh nhân
Cũng giống như BV Ung Bướu TPHCM, BV K - cơ sở đầu ngành về điều trị ung bướu khu vực miền Bắc - đang ùn ứ bệnh nhân nghiêm trọng. Tại đây, bệnh nhân vào điều trị nội trú đều được ghép 2- 4 bệnh nhân/giường. Thậm chí nhiều khoa, phòng phải xếp ghế để bệnh nhân ngồi điều trị. Đặc biệt, tình trạng 7 - 8 bệnh nhân nằm ghép chung một giường để truyền hóa chất diễn ra khá phổ biến. Bệnh nhân Phùng Thị Hạnh, ở huyện Xuân Trường - Nam Định, than thở: “BV không có giường nên buộc lòng chúng tôi đành chấp nhận cảnh lúc nằm chỗ này, lúc nằm chỗ kia”.
Theo TS-BS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K, 5 năm trước, mỗi ngày BV tiếp nhận 600-700 bệnh nhân nhưng gần đây, con số này tăng vọt lên 1.000 bệnh nhân/ngày. Chưa kể hai cơ sở điều trị của BV luôn có chừng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Với cơ sở vật chất hiện có, BV K là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất nước, nhiều khoa, phòng phải tải lượng bệnh nhân trên 300% so với quy mô.
Kỳ tới: Quá tải hạ tầng lẫn nhân lực
Bình luận (0)