Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đã có hiệu lực được 1 tháng nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc đối với cả người dân và đơn vị thực hiện.
Trách nhiệm phải tham gia
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết trong 1 tháng triển khai Luật BHYT sửa đổi, nhiều ý kiến đã phản ánh tới cơ quan bảo hiểm về việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình.
Luật BHYT sửa đổi quy định người dân muốn mua thẻ BHYT phải đăng ký theo hộ. Khác với trước đây, khi người dân mua BHYT tự nguyện, từng cá nhân trong gia đình được phép mua riêng cho mình thì nay, tất cả thành viên trong hộ (trừ người đã mua hoặc được cấp thẻ BHYT) đều phải mua. “Nếu một người không mua thẻ BHYT thì những thành viên khác trong hộ gia đình sẽ không được mua. Hộ gia đình ở đây được hiểu là những người có tên trong sổ hộ khẩu” - ông Sơn giải thích.
Theo ông Sơn, với những gia đình có người tạm vắng, không thống nhất được việc mua thẻ trong hộ, cơ quan bảo hiểm đã yêu cầu các điểm bán thẻ tiếp tục bán cho trường hợp có bệnh mạn tính, đã mua thẻ BHYT trong năm 2014 để bảo đảm quá trình điều trị. Tuy nhiên, thời hạn của thẻ chỉ trong vòng 3-6 tháng để trong khoảng thời gian này, các cá nhân có thể tìm hiểu chính sách và vận động thành viên trong gia đình có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
“Để cộng đồng có trách nhiệm với người bệnh khi ốm đau thì chính những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm tham gia BHYT. Đây là loại hình lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm nhưng từ trước đến nay, đa số người dân Việt Nam đều lựa chọn ngược là đến khi có bệnh nặng mới đi mua thẻ BHYT. Nếu ai cũng như vậy thì quỹ BHYT lấy gì để chi?” - ông Sơn nhấn mạnh.
Trước những thắc mắc về điều kiện mua thẻ BHYT hộ gia đình, ông Sơn cho biết chủ hộ có trách nhiệm kê khai đúng trước pháp luật những thành viên chưa có thẻ BHYT chứ không nhất thiết phải chứng minh các thành viên khác đã có thẻ. “Nếu kê khai không đúng thì sau khi hậu kiểm, UBND xã, phường hay các đại lý bán thẻ sẽ có chế tài xử lý, thậm chí thu hồi thẻ đã phát hành” - ông Sơn nêu rõ.
Theo ông Sơn, ngay cả các cơ sở y tế cũng gặp không ít lúng túng khi triển khai Luật BHYT sửa đổi, trong đó có quy định đối với 47 nhóm bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 lần. Trước đây, người bệnh muốn chuyển tuyến phải xin giấy từ tuyến 3 lên tuyến 2 rồi mới tới tuyến 1 nhưng trong trường hợp tuyến 2 không làm được, bệnh nhân có thể được chuyển thẳng từ tuyến huyện lên tuyến trung ương. Với 47 nhóm bệnh gồm: lao (các loại), phong, HIV/AIDS, ung thư, đái tháo đường, suy tuyến giáp, tim (có can thiệp, sau phẫu thuật van tim, đặt máy tạo nhịp), phổi tắc nghẽn mạn tính..., người bệnh chỉ cần giấy chuyển tuyến 1 lần trong 1 năm (dương lịch) và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ thì sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.
“Tuy nhiên, bệnh nhân cũng phải chấp hành các quy định chuyển tuyến. Nếu cơ sở nơi bệnh nhân đăng ký thẻ BHYT chữa được nhưng họ lại vượt lên tuyến trên thì không được BHYT thanh toán 80%-100% chi phí” - ông Sơn khuyến cáo.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết bộ không cấm nhưng khuyến khích với những bệnh mà tuyến cơ sở điều trị, quản lý tốt thì bệnh nhân nên đến đó. “Việc quyết định cho chuyển tuyến phụ thuộc vào bệnh viện cơ sở. Song, các bệnh viện cần phải làm sao để bệnh nhân tin và ở lại” - bà Hương lưu ý.
Nhiều trường hợp hoãn điều trị
Trước thông tin nhiều trường hợp thuộc diện nghèo chưa được cấp thẻ BHYT, thậm chí có bệnh nhân xin... hoãn mổ để chờ thẻ BHYT, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết về nguyên tắc, cơ quan bảo hiểm chỉ có thể cấp thẻ khi nhận được danh sách hộ nghèo từ sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thành. Tuy nhiên, có thể vì một lý do nào đó mà địa phương chưa xét duyệt xong hộ nghèo, chưa lập được danh sách thì cơ quan bảo hiểm cũng không thể cấp thẻ.
Trong thời điểm này, với những trường hợp đang điều trị nhưng thẻ đã hết hạn (từ ngày 31-12-2014) thì vẫn tiếp tục được quỹ BHYT thanh toán đến hết đợt điều trị. Những trường hợp thuộc hộ nghèo của năm 2014 nhưng năm 2015 chưa được cấp thẻ, nếu nhập viện điều trị trong thời điểm này sẽ phải tự chi trả viện phí.
Không phải ai cũng cần
Tại TP HCM những ngày qua, nhiều người cho rằng mua BHYT theo hộ gia đình là “bước lùi” của quy định mới.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy ngoài việc bị “hành”, người dân còn than phiền rằng không đủ tiền để mua BHYT cho cả nhà cùng lúc. Với lại, nhu cầu mua bảo hiểm phòng thân cũng khác, không phải ai cũng cần. “Gia đình tôi có 10 thành viên, nếu 1 người cần mua thì phải mất tiền thêm cho 9 người còn lại...” - một người dân phản ánh.
Theo BHXH TP HCM, đơn vị cũng nhận được nhiều thắc mắc của người dân xung quanh việc mua BHYT hộ gia đình. Các vướng mắc tập trung ở việc xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại TP nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống... “BHXH TP đang xem xét giải quyết và đã có hướng dẫn cụ thể để giúp người dân được thuận lợi trong việc tham gia BHYT hộ gia đình” - đại diện BHXH TP cho biết. N.Thạnh
Bình luận (0)