Bệnh nhân Trần Thị Mai (51 tuổi, ngụ huyện Thạch Thất, Hà Nội) than thở rằng buổi sáng đi khám ở Bệnh viện (BV) Xanh Pôn, bác sĩ đã chụp phim X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu, chức năng gan, mỡ máu... tiêu tốn gần hơn 1 triệu đồng rồi kết luận phải chuyển sang BV chuyên khoa mới xử lý được.
Cầm hồ sơ qua BV chuyên khoa thì mọi thủ tục phải làm lại từ đầu vì bác sĩ ở đây không chấp nhận kết quả xét nghiệm từ BV Xanh Pôn.
Tùy trường hợp để tận dụng
Không chỉ bà Mai mà thực tế có không ít bệnh nhân vừa mất một khoản tiền lớn để làm xét nghiệm ở BV này nhưng khi chuyển đến BV khác thì kết quả xét nghiệm bỗng chốc thành giấy lộn.
Một bác sĩ ở BV Việt Đức (Hà Nội) cho biết là họ không lấy bất kỳ xét nghiệm của BV nào trừ kết quả chụp X-quang nhưng với những phim X-quang “nhạy cảm” thì vẫn yêu cầu làm lại.
Lấy máu làm xét nghiệm cho bệnh nhân
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết xét nghiệm là quy trình cần thiết vì nếu không rất dễ bỏ sót bệnh và gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Có những xét nghiệm BV tận dụng nhưng cũng nhiều xét nghiệm không thể dùng lại được.
Chẳng hạn khi xét nhóm máu, làm một lần có thể dùng cả đời nhưng các chỉ số sinh - hóa nhất định phải làm lại. Bởi mỗi giai đoạn, bệnh có diễn biến khác nhau nên cần kiểm tra lại để đánh giá bệnh chính xác.
Cần quy chuẩn thống nhất
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 1.000 BV công lập và gần 100 BV tư nhân, tất cả đều có hệ thống khoa, phòng xét nghiệm, đó là chưa kể hàng ngàn phòng khám và cơ sở xét nghiệm khác trên toàn quốc. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ làm việc tại khoa, phòng xét nghiệm chưa được đào tạo chuyên môn đầy đủ và toàn diện. Cần có quy chuẩn thống nhất về xét nghiệm là ý kiến mà nhiều BV đã từng đề nghị. |
“Nhiều trường hợp khả năng phải phẫu thuật thì có khi kết quả thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, nếu lấy kết quả cũ điều trị cho bệnh nhân sẽ có ngày... mang họa”- một bác sĩ khác chia sẻ.
Thiếu kiểm soát chuẩn
Khoảng 60% kết quả chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm nhưng kết quả qua các đợt kiểm tra của cơ quan chuyên ngành cho thấy nhiều phòng xét nghiệm thiếu trang thiết bị hoặc thiết bị quá lạc hậu, không đồng bộ và không được kiểm soát chuẩn.
Kết quả khảo sát chất lượng xét nghiệm tại một số BV tỉnh, huyện và phòng khám tư nhân của Bộ Y tế cũng cho thấy những xét nghiệm làm cùng một loại bệnh phẩm với cùng một mẫu nhưng kết quả khác nhau hoàn toàn là thường, thậm chí các chỉ số chênh lệch nhau đến 2 lần. Đây cũng là lý do để các BV ngại sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, BV Bạch Mai, kể trong chuyến công tác tại một BV tỉnh, khi tham quan phòng xét nghiệm, bà rất ngạc nhiên khi thấy bệnh nhân nào ở đây cũng bị rối loạn điện giải vì chỉ số Na ghi trong sổ theo dõi xét nghiệm đều là 110 ml/l, trong khi giới hạn cho phép thường là 135-145 ml/l. Sau khi tìm hiểu mới phát hiện rằng tại cái máy xét nghiệm của BV bị hỏng điện cực từ lâu mà BV không biết.
Gần đây nhất, Viện Đo lường VN và các cơ quan chức năng đã công bố một kết quả gây “sốc”, đó là qua kiểm tra chất lượng các máy đo khúc xạ để lắp kính thuốc tại Hà Nội đã phát hiện khoảng 95% máy đo khúc xạ, đo kính mắt vượt quá tiêu chuẩn, thậm chí có những máy sai số gấp 3-4 lần quy định.
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế):
Độc lập kiểm định về chuẩn xét nghiệm
. Phóng viên: Ông đánh giá chất lượng hệ thống máy móc xét nghiệm y khoa của nước ta hiện nay ra sao?
- TS Lương Ngọc Khuê: Những năm gần đây, hệ thống máy móc xét nghiệm của chúng ta đã dần dần được nâng cấp. Tuy nhiên, với khả năng của một nước nghèo, sự đầu tư y tế còn hạn chế nên có nơi, có lúc máy móc chưa bảo đảm.
Nhiều khoa, phòng xét nghiệm vẫn thiếu trang thiết bị hoặc thiết bị đã cũ, không đồng bộ và không được kiểm chuẩn.
Các khoa, phòng xét nghiệm được cung cấp máy móc và hóa chất xét nghiệm từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới với các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau.
Thêm vào đó là trình độ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn của cán bộ, nhân viên ở các công ty tư vấn và cung cấp dịch vụ cũng là một ẩn số lớn, ảnh hưởng tới chất lượng xét nghiệm.
. Đây có phải là nguyên nhân khiến các BV chưa công nhận chất lượng xét nghiệm của nhau khiến người bệnh tốn thêm tiền khi chuyển viện?
- Từ trước đến nay, người dân kêu nhiều về chuyện xét nghiệm nhưng không hẳn là do vấn đề cán bộ, máy móc và chất lượng xét nghiệm.
Việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa cơ sở y tế cũng được nói đến nhiều nhưng thực tế, có những loại bệnh diễn biến mỗi lúc mỗi khác và kết quả xét nghiệm cũng thay đổi từng giờ, từng phút.
Tuy nhiên, có những xét nghiệm, hình ảnh chụp chiếu được thực hiện trong cùng một thời điểm vẫn có thể tham khảo hoặc sử dụng được.
Vì thế, “Chương trình hành động quốc gia về nâng cao năng lực quản lý phòng xét nghiệm y học từ nay đến năm 2020” vừa được Bộ Y tế ban hành chính là nhằm mục đích đào tạo và xây dựng chuẩn về quy trình lấy mẫu, chuẩn về cán bộ, chuẩn về máy móc... để bảo đảm chất lượng xét nghiệm của hệ thống khám chữa bệnh.
Mục tiêu của ngành y tế là đến năm 2015 có khoảng 80% phòng xét nghiệm trên toàn quốc đạt quy chuẩn kỹ thuật phòng xét nghiệm y học, khoảng 40% phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, 50% cán bộ phòng xét nghiệm được đào tạo và đào tạo lại về bảo đảm chất lượng phòng xét nghiệm.
. Như vậy, tới đây sẽ có một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm về chuẩn các phòng xét nghiệm?
- Đúng vậy, 3 trung tâm kiểm định đang được xây dựng tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ giữ vai trò then chốt trong hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm.
Ngoài việc tham gia vào hệ thống kiểm soát và bảo đảm chất lượng phòng xét nghiệm y học; giám sát, kiểm tra chất lượng phòng xét nghiệm; phân tích các kết quả kiểm chuẩn... các trung tâm này sẽ tham gia đào tạo nhân lực cho các phòng xét nghiệm.
Ngọc Dung thực hiện |
Bình luận (0)