xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khơi thông nguồn lực y tế tư nhân (*): Đến lúc phải kết hợp y tế công - tư

Hải Yến - Nguyễn Thạnh

Để xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao..., ngành y tế TP HCM nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không thể kham nổi

Theo Sở Y tế TP HCM, do tác động của đại dịch COVID-19 nên trong 3 năm qua, gần 900 nhân viên y tế đã nghỉ việc.

Số đơn vị y tế công lập trên địa bàn không có hệ số thu nhập tăng thêm cho người lao động ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2020 chỉ 5 đơn vị thì năm 2021 đã tăng lên 13, trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng lên 34.

Chia sẻ khó khăn cho bệnh viện công

Những khó khăn của các bệnh viện trong chi trả thu nhập tăng thêm là hệ quả của tự chủ bệnh viện chưa bền vững, đặc biệt là ở thời điểm hiện nay - một số bệnh viện không đứng vững được sau giai đoạn nỗ lực chống dịch COVID-19.

Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2020, số lượt khám chữa bệnh ngoại trú trên địa bàn thành phố giảm hơn 29%, bệnh nhân điều trị nội trú giảm 19%. Thực tế trên đã khiến nguồn thu của các bệnh viện trong năm chỉ đạt hơn 28.500 tỉ đồng (giảm 9% so với năm 2019).

Sang năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, các bệnh viện rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị giảm kỷ lục. Lượt khám bệnh ngoại trú giảm gần 38%, điều trị nội trú giảm 32% so với năm 2020. Tổng nguồn thu của bệnh viện tiếp tục giảm sâu và chỉ đạt hơn 19.600 tỉ đồng (giảm 28% so với năm 2020 và 35% năm 2019).

Chỉ riêng Bệnh viện Ung bướu TP HCM, theo BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện, năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân giảm sâu đã khiến bệnh viện thu không đủ bù chi. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện đang phục hồi. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn quỹ tích lũy của các năm trước đã sử dụng hết nhưng nguồn thu hiện tại vẫn không đủ để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ nhân viên.

Theo BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nguồn thu thấp đang khiến nhiều bệnh viện gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính. Ngoài số lượng bệnh giảm do ảnh hưởng của đại dịch thì một trong những nguyên nhân trực tiếp đang ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện là do giá khám chữa bệnh chưa được cấu thành đầy đủ các yếu tố chi phí.

Một chuyên gia đang công tác tại một bệnh viện tư nhân cho biết hiện tại, lương và chế độ bác sĩ bệnh viện công rất thấp. Họ không đủ trang trải cuộc sống, bắt buộc phải làm thêm hợp tác, trực với các bệnh viện khác hoặc mở phòng mạch. Vì thế, các bác sĩ không có thời gian tập trung chuyên môn, hết lòng cho công việc đang đảm nhiệm. Còn ở bệnh viện tư, chế độ lương và phúc lợi cao nên họ không cần phải làm nhiều việc, mà chỉ tập trung cho chuyên môn của mình. Suy cho cùng, người làm chuyên môn tốt nhất là không phải lo đến "cơm áo gạo tiền" thì mới tập trung vào nghề. Nếu bác sĩ bệnh viện công được các bệnh viện tư mời khám chữa bệnh sẽ là một cách để giảm bớt khó khăn về thu nhập và cũng là cách chia sẻ nguồn nhân lực giữa các bệnh viện trong thành phố.

Khơi thông nguồn lực y tế tư nhân (*): Đến lúc phải kết hợp y tế công - tư - Ảnh 1.

Từ năm 2018, Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã ký kết hợp tác trong khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện công. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Theo Sở Y tế TP HCM, để xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao… và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sức khỏe khu vực ASEAN, ngành y tế thành phố cần phải huy động nguồn lực xã hội tham gia.

Do đó, Sở Y tế đề xuất cần có cơ chế, chính sách để thành phố triển khai hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế. Hiện nay, việc thành lập thêm cơ sở 2 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối vừa góp phần giảm tải, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, vừa tạo thêm nguồn thu cho các bệnh viện công lập và giữ chân bác sĩ giỏi, là giải pháp khả thi.

Trước đó, TP HCM cũng đã triển khai thành công các dự án hợp tác y tế công - tư ở nhiều mức độ. Cụ thể, năm 2018, Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã ký kết hợp tác. Theo đó, bệnh viện được xây dựng với số vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, quy mô 367 giường, 60 phòng khám, đã được khánh thành. Ðây là dự án công - tư (PPP) đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại TP HCM nhằm góp phần tích cực trong việc giảm tải cho các bệnh viện công tuyến cuối tại TP HCM, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố nói chung và đặc biệt cho khu vực cửa ngõ miền Tây nói riêng.

Bên cạnh đó, tại quận 3, nhiều trạm y tế cấp phường đã tận dụng tốt hệ thống thiết bị hiện đại của khu vực tư nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…

Trước đề xuất của Sở Y tế TP HCM, TS-BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An, cho biết theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành trung ương ngày 27-10-2017 đã nêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong đó có "đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư". Đồng thời, mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10% và đến 2030 đạt 15%. Hiện tại, cả nước chỉ có 326 bệnh viện, tỉ lệ 5,16% giường bệnh. Như vậy, muốn đạt được chỉ tiêu này thì phải có cơ chế thu hút nhà đầu tư y tế tư nhân.

"Do đó, đề xuất của Sở Y tế TP HCM sẽ giải quyết bài toán quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tại TP HCM không chỉ cho người dân thành phố mà còn cho cả khu vực phía Nam; từng bước xây dựng ngành y tế thành phố là trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực Đông Nam Á" - bác sĩ Trương Vĩnh Long nhận định. 

Quyết tâm từ 2 phía

Theo bác sĩ Trương Vĩnh Long, yếu tố quan trọng khi kết hợp y tế công - tư là cần có sự quyết tâm từ 2 phía công và tư, đặc biệt là cần có "cơ chế nhân sự" trong việc hợp tác của hệ thống y tế công với y tế tư nhân để tối ưu hóa nguồn lực y tế của đất nước. Khi đó, nhân sự từ y tế công không phải nghỉ việc hẳn để chuyển sang y tế tư.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-2

Kỳ tới: Lấy lợi ích của bệnh nhân làm trung tâm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo