Gần 10 năm bị bệnh vảy nến, ông Nguyễn Thái S., 58 tuổi, ở Hà Nội, tốn không biết bao nhiêu tiền để chữa căn bệnh này. Ông S. chỉ là một trong số gần 2,5 triệu người Việt Nam mắc bệnh vảy nến và không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Stress làm bệnh nặng thêm
Ông S. kể từ khi phát hiện mắc bệnh vảy nến, ông đã vào Nam, ra Bắc, tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh. Mấy tháng trước, nghe đồn có thầy lang ở Trung Quốc chữa khỏi bệnh với giá 40 triệu đồng, ông sang tận nơi đặt cọc 20 triệu đồng lấy thuốc lá uống, thuốc tắm, rồi bôi nhưng sau 1 tháng điều trị, bệnh ngày càng nặng. Ông S. trở lại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng các khớp tay biến dạng, 2 tay và ngực xuất hiện nhiều mảng đỏ, các móng tay bị ăn khuyết dần. “Mỗi khi thay đổi thời tiết, bệnh càng nặng hơn. Mắc bệnh này khổ lắm, chân tay, người ngợm đầy ghẻ lở. Người thân nhìn mình cũng sợ…” - ông S. than.
Dễ nhầm với giang mai và AIDS
Ông Trần Hồng Trường, Chủ tịch Chi hội Vảy nến Việt Nam, cho biết vảy nến là bệnh mạn tính, làm tổn thương da và khớp của bệnh nhân. Triệu chứng của bệnh là các tế bào da chết dày lên, da khô, xuất hiện các nốt vảy da như vảy cá, gây ngứa. Thời gian đầu, người bệnh thường bị tổn thương ở vùng da đầu, khuỷu tay, đầu gối, bụng, vùng hông. Nặng hơn nữa có thể vào móng, vào khớp, thường là các móng tay dày lên. Khi bệnh tiến triển nặng có thể lan ra toàn thân. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể biến chứng sang các bệnh đỏ da toàn thân, viêm đa khớp… “Bệnh thể hiện là những tổn thương trên da nên người mắc bệnh này thường xấu hổ và tìm cách che giấu làn da của mình. Nhìn qua dễ bị nhầm với các bệnh truyền nhiễm khác như phong, giang mai, thậm chí cả HIV/AIDS” - BS Trường nói.
Giới chuyên môn khẳng định vảy nến không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây lan. Thế nhưng, bệnh này làm bệnh nhân xấu đi và người mắc bệnh rất mặc cảm. Chính tâm lý tự ti, chán nản, stress về bệnh càng làm cho các đợt cấp tái phát nhanh hơn, trầm trọng hơn.
Đông y lẫn tây y đều bó tay BS Nguyễn Xuân Hướng, Hội Đông y Việt Nam, cũng khẳng định không chỉ tây y mà cả đông y, cũng chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, gia truyền hay các phòng khám Trung Quốc quảng cáo chữa khỏi vảy nến hoàn toàn là không chính xác. “Nếu tin vào quảng cáo, người bệnh cố đổ tiền vào chữa thì tiền mất mà còn mang thêm tật”- BS Hướng cảnh báo. |
Bình luận (0)