Đầu tháng 3-2023, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2003/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP để giải quyết những vướng mắc liên quan đến nhập khẩu, đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá…
Nhiều quy định "cởi trói" cho bệnh viện
Tại buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bệnh viện cho biết sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 ban hành đã tháo gỡ được nhiều nút thắt, giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất...
Các bệnh viện rốt ráo giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khoảng 3 tuần nữa, bệnh viện sẽ bảo đảm đủ vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh thông thường và cấp cứu. "Những mặt hàng cần thiết, bệnh viện sẽ áp dụng hình thức mua trực tiếp. Bệnh viện đàm phán, trao đổi với các nhà đầu tư về các máy móc đã hết thời gian liên danh liên kết, trao tặng lại cho bệnh viện để phục vụ khám chữa bệnh" - ông Cơ nói.
PGS-TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, cho rằng 2 văn bản của Chính phủ tháo gỡ tới 90%-95% những băn khoăn của cơ sở này. Hiện bệnh viện đã tập trung đấu thầu bổ sung 20 danh mục gặp vướng mắc trước đó. Tuy nhiên, về lâu dài, ông Bính đề nghị sớm sửa đổi Luật Đấu thầu.
Khẳng định vướng mắc mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế đã được gỡ, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các khó khăn trong thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh các bệnh viện cần nâng cao thực hiện chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng bệnh viện; đồng thời công khai việc khó khăn thiếu thuốc, thiếu vật tư, không để bệnh nhân tự mua. "Tới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ tổ chức các đoàn đánh giá chất lượng các bệnh viện sau khi thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30" - ông Khuê thông tin.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Sáng 24-3, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về những vấn đề của ngành y tế thời gian qua, trong đó có việc thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết Nghị định 07 và Nghị quyết 30 chỉ là những giải pháp tức thời, có hiệu lực trong thời gian ngắn. Các cơ sở y tế mong muốn có biện pháp dài hơi, ổn định để chấm dứt triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, để cả người bệnh lẫn bác sĩ đều yên tâm khám bệnh, chữa bệnh.
Chính sách muốn bền vững phải thông qua hành lang pháp lý. Hoàn thiện hành lang pháp lý là 1 trong 6 nhiệm vụ hàng đầu mà ngành y tế đặt ra trong năm 2023. "Bộ Y tế sẽ kiến nghị sửa đổi nhiều Luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Dược, Luật Giá; xây dựng Luật Trang thiết bị, Nghị định về tự chủ, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế... Khi các vấn đề được luật hóa thì giải pháp sẽ bền vững hơn" - ông Đức nhấn mạnh.
7.000 hồ sơ trang thiết bị y tế tồn đọng
Theo Bộ Y tế, một trong những vướng mắc tại thời điểm này đó là khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, trong đó nhiều hồ sơ đã nộp từ 1-3 năm chưa được xét.
Ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết theo quy định của Nghị định 98/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập.
Ngoài ra, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế rất thiếu. Trong khi đó, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi bổ sung. "Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cam kết sẽ giải quyết 7.000 hồ sơ tồn đọng này trước ngày 31-12-2024" - ông Hiếu khẳng định.
Vận động người dân không ăn tiết canh, gỏi cá
Trước nguyên nhân gây chùm ngộ độc mới đây tại Quảng Nam do món ăn truyền thống người dân tự làm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết thời gian qua, cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo địa phương thông qua các già làng, trưởng bản, các vị chức sắc... cung cấp tài liệu bằng tiếng dân tộc để người dân thay đổi thói quen ăn uống không bảo đảm vệ sinh. Thực tế nhiều vụ ngộ độc đã giảm rõ rệt.
Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ các món ăn truyền thống có nguy cơ ngộ độc cao như tiết canh, gỏi cá...
Đối với các món ăn truyền thống khác, sẽ vận động, hướng dẫn người dân loại bỏ nguy cơ từ việc lựa chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản và sử dụng đúng cách để hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ có chính sách, cơ chế để cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, thuốc giải độc các ca ngộ độc và chấp nhận hủy bỏ nếu không có bệnh nhân.
Bình luận (0)