xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không khí bẩn gây đủ thứ bệnh

ANH THƯ - SỸ ĐÔNG

Tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường... là những căn bệnh mà ô nhiễm không khí có thể gây ra cho con người

Vừa qua, Tổ chức Giám sát chất lượng không khí Air Visual vừa công bố danh sách các quốc gia và TP ô nhiễm nhất thế giới năm 2018. Dựa trên nồng độ hạt bụi siêu mịn PM2.5, Hà Nội đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và 12 trên thế giới về mức độ ô nhiễm.

Ám ảnh PM2.5

Theo báo cáo nói trên, chỉ số PM2.5 (tức nồng độ các hạt nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm, đo bằng µg/m3) trung bình của Hà Nội là 40,8, gấp 4 lần mức an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Giờ cao điểm, con số này còn đáng ngại hơn. Sử dụng công cụ trực tuyến của Air Visual đo vào giờ tan tầm ngày 27-3 (17 giờ), một ngày giữa tuần với lượng xe trung bình, tại khu vực quận Đống Đa, chỉ số PM2.5 lên đến 48. 9 giờ sáng cùng ngày tại quận Cầu Giấy, con số này lên đến 103,7.

Tại TP HCM, nhiều nơi cũng vượt chuẩn vào mốc 17 giờ cùng ngày. Trong 5 điểm đo đạc mà Air Visual ghi nhận, chỉ có khu vực Đa Kao (quận 1) là không khí trong lành với chỉ số PM2.5 là 10; trong khi tại quận 10, nồng độ lên đến 61,5.

Trong khi đó, một website đo chất lượng không khí uy tín khác là Real-time Air Quality Index, "phủ sóng" trên 89 quốc gia với 11.000 trạm đo đạc và đứng đầu bởi các nhà nghiên cứu Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Úc, ghi nhận chỉ số PM2.5 của Hà Nội trong 2 ngày 26 và 27-3 tối thiểu là 55, tối đa là 192 (đo tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội). Tại TP HCM, tối thiểu là 53 và tối đa là 76 (đo tại Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM).

Các chuyên gia cho rằng chất lượng không khí ngày càng xấu bởi chịu ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất, xây dựng và giao thông. Tại TP HCM, từ năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã đặt 6 trạm quan trắc để đo bụi tại những vị trí ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông gồm: Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, Phú Lâm, An Sương, Gò Vấp, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh. Đến năm 2014, sở này lắp đặt thêm 9 trạm ở các vị trí khác nhằm đo mức độ ảnh hưởng của hoạt động giao thông, môi trường nền, trong khu dân cư và vị trí ảnh hưởng do các hoạt động công nghiệp.

Các chỉ số mà Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP) thu thập được từ năm 2007-2017 đều cho thấy mức độ ô nhiễm của bụi đều vượt quy chuẩn. Cụ thể, trạm Cát Lái đều vượt từ 7-9 lần so với quy chuẩn khi năm 2016 là 777 μg/m3, năm 2017 là 904 μg/m3 (quy chuẩn là 100 μg/m3). Tương tự, thông số từ các trạm khác như An Sương, Gò Vấp, ngã tư Bình Phước cũng vượt từ 5-7 lần. Đại diện Trung tâm lý giải chỉ số bụi tại các trạm này vượt quy chuẩn nhiều lần là do trạm đặt gần các giao lộ, nơi có nhiều phương tiện giao thông qua lại.

Theo WHO, ô nhiễm liên quan đến 7 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm và chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời đã chiếm 4,2 triệu ca. Tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời là do tiếp xúc với các hạt siêu mịn PM2.5, gây ra bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư. Ước tính, gánh nặng ô nhiễm không khí ngoài trời nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và các nước Tây Thái Bình Dương. Không khí an toàn, theo tiêu chuẩn của WHO, phải có chỉ số PM2.5 không quá 10 theo trung bình năm và không có những ngày quá 25 (trung bình 24 giờ).

Thời gian qua, các nhà khoa học khắp thế giới phát hiện vô số bệnh liên quan đến PM2.5. Nghiên cứu của Đài Loan - Hồng Kông công bố cuối năm 2017 trên tạp chí y khoa BMJ Open cho thấy tác động gây vô sinh ở nam giới tăng lên rõ ràng khi chỉ số PM2.5 vượt quá 25, khiến tinh trùng có rất ít cá thể mang kích thước và hình dạng bình thường.

Riêng công trình của Đại học Washington (Mỹ) công bố giữa năm 2018 đã chứng minh chỉ cần chỉ số PM2.5 từ 11,9 đến 13,6, nguy cơ tiểu đường đã tăng 24%, do các hạt này xâm nhập vào cơ thể, ngăn chặn khả năng xử lý đường trong máu của insulin. Nghiên cứu khác của Đại học Queen Mary (London, Anh) phát hiện những trái tim bị biến đổi trong cơ thể người sống ở các đô thị ô nhiễm, mức PM2.5 cao. Tim họ to bất thường và như tim của người bị suy tim giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, PM2.5 hầu như không thể ngăn chặn bằng các biện pháp cá nhân vì chúng nhỏ đến mức có thể xuyên qua các khẩu trang thông thường. Cách duy nhất để chống lại chúng là giảm ô nhiễm.

Không khí bẩn gây đủ thứ bệnh - Ảnh 1.

Người dân đang phải hít lượng lớn bụi từ hoạt động xây dựng, giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: SỸ ĐÔNG

Nhiều nguyên nhân

Chưa nói đến PM2.5, các vật chất hạt khác kích thước lớn hơn và vô số chất gây ô nhiễm đủ sức gây hại cho con người. Theo thống kê của WHO, ngoài vật chất hạt có 3 thứ nguy hại xếp hàng kế cận sau: nitơ dioxide (NO2, từ phương tiện giao thông, bếp gas); sulfur dioxide (SO2, từ đốt nhiên liệu hóa thạch như than); ozone mặt đất (do ánh sáng mặt trời phản ứng với các chất ô nhiễm từ khí thải xe cộ). Một nghiên cứu mới công bố cuối tháng 3-2019 trên JAMA, do King College London (Anh) thực hiện, thậm chí cho thấy phơi nhiễm NO, NO2, vật chất hạt liên quan đến loạn thần ở thanh thiếu niên.

Không những ngoài đường, không gian trong nhà với các loại bếp không an toàn, thiết bị sưởi, khói thuốc lá… cũng là những tác nhân ô nhiễm không khí đe dọa trực tiếp con người.

BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), khuyến cáo nên cố gắng phòng ngừa bằng cách giữ môi trường trong nhà sạch sẽ, thông thoáng, mang khẩu trang khi đi đường. Các hạt kim loại nặng, khói bụi xe cộ từ lâu được chứng minh gây hại trước nhất là cho đường hô hấp, ví dụ tăng nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn…

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết trên thế giới có những nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí nói chung làm tăng nguy cơ một số loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vùng đầu cổ... Tuy nhiên, không chỉ xe ngoài đường mới gây ô nhiễm. Trước hết, nên hạn chế nguy cơ từ những thứ mình có thể chủ động phòng tránh. Ví dụ, một làn khói thuốc lá mỏng trong nhà có khi còn nguy hại hơn khói xe ngoài đường trong một số phương diện: 90% trường hợp ung thư phổi là do khói thuốc lá; sau đó, mới là do các vấn đề khác như ô nhiễm không khí ngoài trời, do khói xe. Khói thuốc còn liên quan đến 15 loại ung thư khác như miệng, lưỡi, niêm mạc, thực quản, dạ dày, bao tử, tuyến tụy… Không chỉ vậy, những người bất đắc dĩ "hút ké" (hút thuốc thụ động) cũng tăng 15%-20% nguy cơ ung thư, chủ yếu là ung thư phổi.

Hạt siêu mịn PM2.5 và các vật chất hạt khác được sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu rắn và lỏng, như để phát điện, sưởi ấm, nấu nướng, vận hành động cơ xe, khí thải công nghiệp… Khảo sát tại Anh cho thấy nguồn chủ yếu là khí thải xe cộ. Ngoài ra, PM2.5 cũng được tạo ra từ phản ứng hóa học dựa trên các khí thải tiền chất như sulfur dioxide (SO2) và nitơ dioxide (NO2).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo