Giá bán “trên trời”, tù mù chất lượng, quảng cáo thổi phồng khiến nhiều người lầm tưởng thực phẩm chức năng (TPCN) là thuốc chữa bệnh… Vì thế, đề xuất nên kê TPCN vào đơn thuốc mà Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra lấy ý kiến tại một hội thảo tổ chức mới đây đã gây nhiều tranh cãi và phản ứng của giới chuyên môn.
Nhiều người hiểu sai
Tại buổi tọa đàm trực tuyến sáng 9-11, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về TPCN, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết trên thị trường có khoảng 10.000 sản phẩm TPCN, trong đó nhập khẩu chiếm 40%. Ông Đáng đề nghị nên có chính sách đầu tư cho ngành TPCN để người dân hiểu TPCN với vai trò như một “vắc-xin” phòng các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhiều người đang hiểu sai, hiểu chưa đầy đủ về TPCN vì “Đây không phải là thuốc chữa bệnh”.
Trước những thắc mắc về giá TPCN quá đắt, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện TPCN, giải thích: “Do TPCN chiết xuất từ hoạt chất thiên nhiên nên cái gì từ thiên nhiên cũng đắt hơn”. Ông Đáng thì lập luận rằng đắt vì bị đánh thuế cao, các nhà kinh doanh cũng muốn lấy lợi nhuận cao, bản thân sản phẩm này có hiệu quả và được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Ông Phong cho rằng nên để thị trường tự quyết định giá.
Phản đối kê TPCN vào đơn thuốc
Quy định của Bộ Y tế hiện cấm bác sĩ kê TPCN trong đơn thuốc, song do khoản hoa hồng mà các công ty kinh doanh hứa hẹn và sự nhập nhằng về phân loại TPCN, cộng thêm việc kiểm soát thiếu chặt chẽ nên hiện tượng bác sĩ “lách” để kê TPCN vào đơn thuốc hoặc kê TPCN vào “đơn phụ” vẫn khá phổ biến. Nhiều bệnh nhân không phân biệt được đâu là thuốc, đâu là TPCN.
Trước đề xuất kê TPCN vào đơn thuốc, bác sĩ Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nói hiện nay quản lý thuốc còn đang rất vất vả, nếu đưa TPCN vào đơn thuốc thì sẽ thêm gánh nặng cho cả ngành dược, ngành y tế và hệ thống bệnh viện; chưa nói đến việc người bệnh phải “còng lưng” gánh thêm những khoản chi không cần thiết. “Chỉ riêng tiền chi cho thuốc đã chiếm 60% tổng chi phí điều trị, ở các bệnh viện nhiễm trùng còn cao hơn nhiều, vào khoảng 70% - 80%. Vì thế, nếu cho phép kê TPCN trong đơn thuốc thì đơn sẽ dài cỡ nào”- bác sĩ Phú băn khoăn.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, gay gắt: “Không chỉ giá mà chất lượng TPCN cũng đang bị thả nổi. Nếu kê vào đơn thuốc thì cần có kiểm soát về giá và tiêu chuẩn chất lượng”. Bà Lan cũng đưa ra một lý do nữa để không đồng tình vì sẽ dễ khiến bệnh nhân nhầm lẫn với thuốc trong khi các sản phẩm này không hề có những kiểm nghiệm lâm sàng như thuốc. Theo bà Lan, bác sĩ của một số nước hướng dẫn cho bệnh nhân sử dụng TPCN có thể vì họ được mua đúng với giá trị thực còn ở Việt Nam sản phẩm này là “vô giá”, giá “trên trời” vì bị “thổi phồng” công dụng.
GS-TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch quốc gia, cho rằng để bác sĩ kê TPCN vào đơn thuốc thì đầu tiên người thầy thuốc phải có hiểu biết về sản phẩm nhưng thực tế nhiều thầy thuốc cũng chưa rõ, nếu tư vấn cho người bệnh thì rất nguy hiểm; TPCN vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, nguy hiểm cho người sử dụng. “Ở nhiều nước, thầy thuốc chỉ khuyên chứ không kê TPCN vào đơn thuốc”- GS Khải khẳng định.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực TPCN, một ngày không nên uống quá 3 loại TPCN khác nhau nhưng vì lợi nhuận nên các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và cả những người bán TPCN thường lờ điều này và tư vấn cho người tiêu dùng “uống thoải mái”. . |
Bình luận (0)