Thời tiết sáng nắng chiều mưa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa.
Dịch bệnh trở lại, biến đổi gien
Ngày đầu tuần, chị T.Đ (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) phải khổ sở vì vừa chạy lên quận 3 họp cơ quan, đồng thời "kẹp nách" thêm đứa con nhỏ mới lên ba. Lâu nay con chị được bà ngoại chăm, nay bà vừa về quê là bé đổ bệnh. "Sáng ra bỗng dưng bé ho sặc sụa, ói mửa, trường mầm non không dám nhận giữ. Đưa con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm cúm" - chị Đ. kể.
TS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thời gian qua, trong tổng số 4.000-5.000 trẻ vào viện khám có những ngày bệnh viện tiếp nhận 300-500 trẻ mắc cúm. Trong đó, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị, khiến có thời điểm quá tải giường bệnh. Đặc biệt năm nay, bệnh nhân phía Bắc tăng ngay thời điểm mùa hè, trong khi những năm trước chủ yếu bệnh nhân cúm tăng vào các tháng cuối năm.
Tập trung đông người, lơ là các biện pháp dự phòng cá nhân dễ dẫn đến nguy cơ lây lan cúm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo các bác sĩ, hiện nay, Việt Nam đang lưu hành đồng thời bệnh cúm mùa và bệnh Covid-19. Đây đều là bệnh lý về đường hô hấp do nhiễm virus với các triệu chứng như ho, đau họng, ngạt mũi, đau mỏi người… Những triệu chứng này rất khó phân biệt trong những ngày đầu mắc bệnh.
Trước đây, mọi người vẫn xem bệnh cúm là bình thường, do chỉ gây hắt hơi sổ mũi rồi khỏi, điều trị ngoại trú. Sau đó, Việt Nam bắt đầu ghi nhận một số trường hợp biến chứng do bệnh cúm. Đến năm 2019, thống kê cho thấy khoảng 45% trẻ mắc cúm có biểu hiện ảnh hưởng thần kinh với các triệu chứng co giật, li bì, trong đó 6,5% bị viêm não.
Hiện nay, số bệnh nhân mắc cúm gặp biến chứng viêm phổi, suy hô hấp chiếm tỉ lệ cao. Ngoài ra, cúm còn có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm cơ tim gây nguy hiểm tính mạng, làm nặng hơn với người có bệnh nền. Có những trẻ nằm viện 2-3 ngày, điều trị ổn, chuẩn bị cho xuất viện thì bất ngờ sốt lại rồi diễn tiến nặng.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến bất thường của số ca mắc cúm, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm giao mùa, độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi cho virus cúm hoạt động mạnh. Ngoài ra, cúm là bệnh hô hấp, lây qua giọt bắn, dịch tiết mũi họng, dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi đông người. Thời điểm tựu trường cũng là lúc trẻ nhỏ, học sinh đến trường nên nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Một nguyên nhân nữa được ghi nhận qua các ca bệnh nhập viện là sự chủ quan của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó dẫn đến lơ là phòng ngừa cúm trong sinh hoạt hằng ngày, không tiêm ngừa định kỳ để củng cố và duy trì lượng kháng thể.
Điều nguy hiểm là virus cúm có tỉ lệ biến đổi gien khá cao. Khi virus nhân lên sẽ có những sai sót ở hệ thống gien, tuy chưa đủ tạo thành chủng cúm mới nhưng độc lực có thể khác.
Tấn công bất kể đối tượng nào
Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ở nước ta bệnh cúm diễn ra quanh năm. Trong đó, cúm tại miền Bắc đạt đỉnh vào mùa đông - xuân và có xu hướng tăng vào mùa hè tại miền Nam. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, các cơ sở y tế, bệnh viện miền Bắc lại ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm, trong đó nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển. Dù diễn biến cúm mùa vẫn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, sự gia tăng số ca nhiễm cúm đã trở thành nỗi lo ngại "dịch chồng dịch" trong cộng đồng.
Các bác sĩ cho biết cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh. Ở các nước vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm cúm (kể cả những người khỏe mạnh) và các biến chứng do cúm gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao, gồm: người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền mạn tính (tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD, đái tháo đường…), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh hằng năm ước tính 5%-10% ở người lớn và 20%-30% ở trẻ em.
ThS-BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TP HCM, cho biết giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến diễn biến bất thường của bệnh cúm. Cụ thể, giai đoạn 2020-2021 với nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài do dịch Covid-19, cùng với các biện pháp cách ly, phòng bệnh được thực hiện chặt chẽ, cúm khó có cơ hội lây lan. Việc giãn cách xã hội cũng cản trở người dân tiêm ngừa cúm kịp thời để bảo vệ bản thân khỏi cúm mùa.
"Khi cuộc sống trở lại bình thường, cùng với việc cơ thể chưa được củng cố kháng thể cúm, chỉ cần một yếu tố nguy cơ nhỏ cũng làm gia tăng khả năng nhiễm cúm" - BS Tuấn lý giải.
Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chu kỳ mắc cúm rất nhanh, chỉ 12 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh từ 18-72 giờ. Khi mắc cúm, thông thường sẽ tự khỏi từ 5-7 ngày, có trường hợp kéo dài 2 tuần. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mắc cúm bị biến chứng (chiếm khoảng 15%) như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản,…
Giới chuyên gia khuyến cáo vì virus cúm biến đổi liên tục hằng năm nên việc chủ động tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần sẽ giúp bảo đảm độ tương thích của kháng thể với chủng virus cúm lưu hành thực tế. Ngoài ra, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất và luyện tập thể thao để tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng.
Lơ là tiêm phòng
Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy tỉ lệ ca mắc bệnh cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Điều quan trọng là cúm đã có vắc-xin phòng ngừa nhưng tỉ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa đến 2% dân số, trong khi với bệnh truyền nhiễm thì tỉ lệ bao phủ vắc-xin phải đạt 70%-80% mới đạt yêu cầu.
Hiện có 126 điểm giám sát cúm toàn cầu, ghi nhận chủng nào phổ biến để đưa vào vắc-xin cúm. Miễn dịch cơ thể đáp ứng vắc-xin cúm không bền vững, tầm 18-24 tháng sẽ hết, nên cần chủng ngừa nhắc lại hằng năm để củng cố và duy trì lượng kháng thể.
Bình luận (0)