Bác sĩ (BS) Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM (cơ sở 3) - cho biết xông hơi thảo dược chỉ là biện pháp giúp cải thiện triệu chứng. Khi virus đã nhiễm vào cơ thể thì xông nhiệt độ cao cũng không thể diệt được.
Phục hồi khứu giác
Theo các BS, hiện chưa có thuốc đặc hiệu để phòng và điều trị virus SARS-CoV-2, những trường hợp nhiễm bệnh cần được chăm sóc phù hợp và điều trị triệu chứng. Trường hợp bệnh nghiêm trọng thì cần được điều trị tích cực.
Xông hơi thảo dược không thể điều trị bệnh Covid-19
Khi nhiễm, virus sẽ chui vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, nhờ tế bào của người bị nhiễm sản xuất ra nhiều virus mới và xâm chiếm các tế bào lân cận, lúc này xông hơi nóng chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào. Vì thế, súc họng hay xông mũi họng không làm sạch được virus.
BS Huỳnh Tấn Vũ lý giải, nồi xông giải cảm kết hợp tác dụng vật lý của hơi nước nóng và tác dụng dược lý của các chất bay hơi chứa trong thảo dược theo hơi nước. Hơi nước nóng sẽ làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường. Kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu.
Xông hơi nóng giúp làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, giúp dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi. Độ nóng thích hợp sẽ tạo cảm giác thư giãn thoải mái, giảm đau nhức cơ. Nếu có thêm tinh dầu sẽ kích thích giúp người bệnh phục hồi khứu giác.
"Xông hơi thảo dược chỉ làm cho người bệnh đỡ nghẹt mũi, đỡ khô họng, loãng đàm để dễ khạc, làm giảm triệu chứng, không phải là phương pháp chữa trị virus" - BS Vũ khuyến cáo.
Không tùy tiện xông hơi
Theo BS Huỳnh Tấn Vũ, có 2 cách xông là xông toàn thân và xông đầu mặt. Nếu chỉ có triệu chứng khó chịu về đường hô hấp trên (sổ mũi, nghẹt mũi, giảm/mất mùi…) thì chỉ cần xông vùng đầu mặt là được. Nếu có thêm các triệu chứng toàn thân như sợ lạnh, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân thì nên xông toàn thân. Xông toàn thân nên xông mỗi tuần 2-3 lần. Xông vùng đầu mặt thì mỗi ngày nên làm 1-2 lần.
Tùy điều kiện từng vùng, người bệnh có thể sử dụng những loại dược liệu xông như: kinh giới, tía tô, bạc hà, hương nhu, cúc tần, sả, lá chanh, lá bưởi, lá cam… tươi hoặc khô nhưng không bị nấm mốc. Có thể sử dụng vài giọt tinh dầu tràm, sả, gừng… hoặc sử dụng các viên xông dạng viên nang mềm đóng gói sẵn hoặc xé các viên thuốc chứa tinh dầu như eugica để xông.
"Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... cần ngừng ngay. Trường hợp sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (chấn thương, nhiễm trùng...) thì không nên tùy tiện xông hơi mà phải đi khám ở cơ sở y tế. Không nên xông quá 15-20 phút/lần. Bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể… khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã" - BS Vũ lưu ý.
Một số trường hợp không nên xông: đang sốt cao, sợ nóng không sợ lạnh, ra nhiều mô hôi, không khát nước, cơ thể suy nhược, vừa ốm khỏi, già yếu, mệt mỏi, thiếu máu, đang mang thai hoặc vừa mới sinh, đang bị tiêu chảy.
Bình luận (0)