Không đủ mẫu để xét nghiệm?
Trước đó, ngày 4-10, sau 1 đêm ngâm YOYO tại nhà, bà Trần Thị Dưa thấy có khoảng 10 sinh vật, con lớn nhất bằng đầu tăm xỉa răng, con nhỏ nhất bằng đầu kim khâu, chiều dài khoảng 5-6 mm, màu sắc lúc đầu trắng sau chuyển màu đậm dần với nhiều nhận định khác nhau là con dòi, hay con lăng quăng, con đỉa.
Tại cơ sở bà Dưa mua YOYO (của công tay cổ phần thực phẩm sạch HTT – Hà Nội), cơ quan chức năng chỉ thu được 4 mẫu và không thể lấy thêm các mẫu khác do các cửa hàng đều đã không còn bán sản phẩm này. Với số lượng mẫu YOYO thu được, cơ quan chức năng đã chia làm 3 phần: một phần để lại cơ sở bán YOYO, một phần lưu lại đoàn kiểm tra, phần còn lại gửi Trung tâm Kiểm nghiệm Mỹ phẩm - Thực phẩm để xét nghiệm.
UBND xã Thủy Thanh và Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cùng tiến hành ngâm YOYO trong dụng cụ và nước sạch sau 2 ngày đêm. Kết quả cho thấy không phát hiện được ấu trùng, côn trùng trong 2 mẫu này. Kết quả xét nghiệm mẫu snack khô tại Trung tâm Kiểm nghiệm Mỹ phẩm - Thực phẩm cũng không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng trong snack YOYO
Qua công bố với báo chí, 2 mẫu YOYO được phân tích - xét nghiệm gồm 1 mẫu còn nằm trong bao bì do Phòng CSĐTTP về Môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi lên. Mẫu còn lại là đã được ngâm trong chai nhựa do UBND xã Thủy Thanh tự làm. Theo xã Thủy Thanh, đây là 2 bì YOYO còn lại thu được ở nhà bà Dưa sau khi về hiện trường kiểm tra thông tin có sinh vật lạ trong thau nước ngâm gói YOYO bà nhờ cháu mua về. Xã đã giữ một bì để làm thí nghiệm thử giống như cách bà Dưa đã làm. Bì kia xã đưa cho cán bộ Phòng CSĐTTP về môi trường xử lý.
Sau khi được phân tích bởi Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế), cả 2 mẫu là chai nước đã có ngâm YOYO của xã và bì YOYO còn trong bì của Phòng CSĐTTP về môi trường đã cho ra kết quả là “không phát hiện ký sinh trùng và côn trùng”. Kết quả xét nghiệm cuối cùng ở Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Thừa Thiên - Huế cũng cho ra kết quả tương tự.
Không biết sinh vật trong mẫu ban đầu là gì?
Đem thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế thì được biết: “Đáng tiếc là khi đoàn làm việc chúng tôi đến nhà bà Dưa thì đã không còn chậu nước đó nữa vì bà Dưa đã đổ đi sau khi đưa mẫu nước có chứa sinh vật lạ cho cán bộ y tế và ông phó chủ tịch xã. Hỏi Trung tâm y tế thị xã Hương Thủy thì bên đó cũng đã không tiếp nhận mẫu vật có sinh vật lạ này”, ông Diễn nói.
Chúng tôi đã điện thoại liên lạc tiếp với ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh trong chiều cùng ngày thì được ông Hòa cho biết, sau khi bà Dưa đưa chai nước có sinh vật lạ chiều ngày 3-10, ông Hoà đã chuyển cho cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng của Thị xã Hương Thủy nhưng họ không lấy mà chỉ lấy mẫu vật khô (gói YOYO).
“Tôi đem bì này để trong phòng làm việc gồm có tôi và 4 người nữa ở Ủy ban xã. Ngay sáng hôm sau (4-10), tôi đến cơ quan đã thấy bì này phát ra mùi hôi. Toàn bộ hơn 10 con sinh vật lạ đã chết. Con này không giống con lăng quăng mà cũng không phải là đỉa, vì đỉa thì sống rất dai chứ không chết nhanh vậy.
Mấy ngày sau không ai hỏi, tôi bẵng quên mất. Đến ngày 10-10 vừa rồi, công an thị xã Hương Thủy hỏi tôi bì chứa sinh vật lạ này đâu rồi, tôi về tìm trong phòng thì không còn nữa. Chắc các anh em vào phòng dọn vệ sinh thấy bì nước bẩn quá nên đã vứt rồi. Để tôi hỏi lại xem ai đã đổ bì nước này”, ông Hòa kể về việc mất bì nước có chứa sinh vật lạ.
“Nếu có mẫu nước này, chúng tôi cũng sẽ kiểm nghiệm xem sinh vật lạ ở trong là con gì. Nhưng có thể cũng sẽ không công bố vì nguyên tắc làm xét nghiệm mẫu vật là phải nguyên đai nguyên kiện. Hai mẫu mà chúng tôi có kết quả kiểm nghiệm đó chỉ là mẫu tương tự với gói YOYO mà bà Dưa mua về rồi làm thử có sinh vật lạ”, ông Diễn cho biết thêm.
Như vậy, việc xác minh chính xác con sinh vật gì ở trong mẫu nước có hòa tan gói YOYO của bà Dưa đến nay đã không thể thực hiện được vì bì nước mà ông Hòa giữ đã “biến mất”.
Như vậy, có thể sẽ không bao giờ chúng ta biết được thực sự sinh vật trong chậu nước ngâm bim bim của bà Dưa là sinh vật lạ hay không và thuộc loại nào.
Bình luận (0)