Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương - Hà Nội, cho biết những ngày qua, BV đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn.
Nhầm với sốt xuất huyết
Được chuyển đến cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương sáng 11-2 (mùng 2 Tết), đến ngày 21-2, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân L.V.N, 47 tuổi, quê Thanh Hóa, dù đã dứt sốt, tỉnh táo hơn nhưng vẫn dày đặc các ban thâm tím ở ống chân, bàn chân, cánh tay. Theo vợ bệnh nhân N., ngày 29 Tết, ông N. có tham gia giết mổ heo, sang mùng 1 Tết thì sốt rất cao, rét run nên gia đình đưa vào BV huyện. Lúc này, ông N. bắt đầu nổi ban đỏ thẫm ở chân. BV nghi sốt xuất huyết nên chuyển ông N. lên BV tỉnh rồi tiếp tục chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây, ông được chẩn đoán nhiễm liên cầu khuẩn heo.
Sống tại Hà Nội, một bệnh nhân nữ 46 tuổi ở huyện Ba Vì cũng đã nhập viện hơn 1 tuần nay tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp vì nhiễm liên cầu khuẩn heo. Trước đó, mùng 1 Tết, bệnh nhân bị sốt cao, rét run nhưng tự điều trị tại nhà. Đến mùng 4 Tết, bà đau đầu dữ dội, nôn nên gia đình đưa vào BV gần nhà, được chẩn đoán viêm màng não mủ và tiếp tục được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, mê sảng, mất trí nhớ. Sau gần 10 ngày được điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã tỉnh nhưng các ban hoại tử vẫn chi chít ở vùng khuỷu tay và môi. Theo con trai của bệnh nhân, gần 30 năm bán thịt heo nhưng đây là lần đầu tiên bà mắc phải căn bệnh này.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, 50% bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn cho biết họ có ăn tiết canh heo. Tuy nhiên, có thể số liệu thực tế còn cao hơn vì nhiều bệnh nhân giấu, không nói thật bởi đây là món ăn đã được cảnh báo rất nhiều vì nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm từ heo cho người.
Nhập viện dồn dập
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, ngay trong những ngày đầu năm mới đã có 2 bệnh nhân tử vong do vi khuẩn chết người này. Cả 2 trường hợp này đều tham gia giết mổ và ăn tiết canh heo. Trong đó, một trường hợp dù nhập viện ngay sau khi có biểu hiện sốt cao nhưng do bệnh diễn tiến quá nhanh, suy đa tạng, rối loạn đông máu nên không qua khỏi. So với các tháng trước đó, số bệnh nhân tăng rất cao, khá dồn dập, liên quan trực tiếp đến giết mổ, chế biến thịt heo và đặc biệt là ăn tiết canh heo.
Bác sĩ Hà cho hay năm 2012, BV tiếp nhận 120 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn, phần lớn có ăn tiết canh, lòng heo nghi nhiễm bệnh hay tham gia giết mổ và bán thịt heo bệnh. Đáng nói là có những trường hợp nhiễm bệnh nhưng chủ quan cho rằng mắc cảm cúm thông thường nên tự điều trị hoặc điều trị muộn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, có những bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn được điều trị ở cơ sở tuyến dưới với những biểu hiện của bệnh viêm màng não, sốt xuất huyết, đến khi được chuyển lên BV tuyến Trung ương thì bệnh đã nặng.
Theo giới chuyên môn, những biểu hiện ban đầu của bệnh nhiễm liên cầu khuẩn thường là sốt cao, đau đầu, rét run, nổi ban trên da… Nếu không có những xét nghiệm chuyên sâu hoặc thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán lâm sàng thì rất dễ nhầm với các bệnh khác như sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn tụ cầu, viêm màng não do não mô cầu… Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn thường có các biểu hiện viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết hoặc kết hợp cả hai loại. Bác sĩ Hà cảnh báo nhiễm liên cầu heo là một bệnh mới nổi được đánh giá là rất nguy hiểm bởi tỉ lệ tử vong cao. Nếu không được chẩn đoán đúng để điều trị kịp thời, bệnh diễn biến rất nhanh trong 10 - 20 giờ, người bệnh lâm vào nguy kịch, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo bệnh liên cầu khuẩn heo có tỉ lệ tử vong rất cao. Cách phòng bệnh tốt nhất là không nên ăn tiết canh heo.
Chưa lây từ người sang người Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lưu ý bệnh liên cầu khuẩn không thành dịch nhưng xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên, vào thời điểm có dịch heo tai xanh bùng phát thì số người mắc liên cầu khuẩn lại tăng cao. Hiện vẫn chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người nhưng người dân cần cảnh giác với căn bệnh này. Vì chưa có vắc-xin phòng bệnh nên việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng. |
Bình luận (0)