Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhiều giải pháp đã được đưa ra để "kích cầu" các cặp vợ chồng vượt qua tâm lý ngại sinh con ở vùng có mức sinh thấp.
Cuốn theo cuộc sống
Kết hôn 9 năm, con gái đã được 8 tuổi nhưng vợ chồng chị Hoàng Thu Nga, 36 tuổi ở quận Đống Đa (Hà Nội), vẫn chưa có ý định sinh thêm con thứ 2. Dù gia đình hai bên thúc giục nhưng vợ chồng chị vẫn chưa muốn sinh thêm. "Khi công việc của vợ chồng chưa ổn định thì đã có con. Cuộc sống vất vả, áp lực cộng thêm việc con thường xuyên đau ốm nên vợ chồng càng mệt mỏi. Chúng tôi mới chỉ thảnh thơi được 2-3 năm nay và chưa muốn có thêm con trong thời điểm này, thậm chí có lúc vợ chồng tôi còn thống nhất chỉ có mình bé gái này để tập trung nuôi dạy, chăm sóc cho tốt" - chị Nga chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia dân số, tâm lý ngại sinh con, sinh con ít là xu hướng khá phổ biến ở các khu đô thị, thành phố lớn, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhiều cặp vợ chồng trẻ bị cuốn theo cuộc sống hiện đại, công việc bận rộn, chưa chuẩn bị tâm lý sinh con hoặc không có thời gian chăm sóc cho con, nên chỉ dừng lại ở một con.
Sinh đủ 2 con đang được khuyến khích để kéo dài giai đoạn dân số vàng ứng phó xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Số liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho thấy hiện nay cả nước có 33 tỉnh, TP có mức sinh cao (42% dân số); có đến 21 tỉnh, TP có mức sinh thấp (39%); 2 vùng có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ (1,56)%, đồng bằng sông Cửu Long (1,8%)...
Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ, cho biết các địa phương có mức sinh cao chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc. Các tỉnh này, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Điều này đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết thêm mức sinh ở TP HCM cũng giảm trong nhiều năm qua, chỉ số giới tính khi sinh có nguy cơ mất cân bằng, vì vậy ngành dân số cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đặt ra. Bên cạnh đó, chỉ số nạo phá thai ở các khu đô thị, thành phố lớn vẫn còn cao, nên cần phải tăng cường phối hợp các ban, ngành trong việc giáo dục lối sống cho người trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là giới trẻ để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Đủ kiểu khuyến sinh
Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết mục tiêu đặt ra cho ngành dân số trong tình hình mới là cần phải điều chỉnh mức sinh, duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương.
Đối với những tỉnh, TP có mức sinh thấp, Tổng cục DS-KHHGĐ đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như: hỗ trợ, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em...
Mới đây, Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Bộ Y tế) cho biết theo thông tư này, nếu cặp vợ chồng nào sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con thì căn cứ tình hình của địa phương có thể được tôn vinh, biểu dương; miễn, giảm học phí; hỗ trợ mua BHYT học sinh; hỗ trợ sữa học đường... Tại các địa phương có mức sinh thấp, căn cứ vào thực tiễn, địa phương lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Các xã ở khu vực này có các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi cũng được xét khen thưởng.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc khuyến khích sinh đủ 2 con sẽ giúp Việt Nam cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, TP trên toàn quốc, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, đồng thời kéo dài giai đoạn cơ cấu dân số vàng, cũng như ứng phó thực trạng và xu hướng già hóa dân số nhanh trong tương lai ở Việt Nam.
Điều chỉnh mức sinh các vùng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, TP có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, TP có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, TP đã đạt mức sinh thay thế.
Bình luận (0)