Nhóm nhà khoa học đến từ nhiều viện, trường, dẫn đầu bởi bác sĩ phẫu thuật thần kinh Kendall Lee, đến từ hệ thống Mayo Clinic (Minnesota-Mỹ) đã tạo nên một phép màu kiểu Frankenstein khi khiến 3 người bại liệt nửa người do liệt tủy, được chẩn đoán là không thể hồi phục, có thể đứng lên và đi lại một lần nữa.
Anh Jered Chinnock, một trong các bệnh nhân liệt nửa người, đang tập đi những bước đầu tiên - ảnh: INDEPENDENT
Công trình vừa công bố trên tạp chí Nature Medicine cho biết trước đó các bệnh nhân đã trải qua cuộc phẫu thuật cấy một điện cực điều khiển từ xa ở khu vực ngoài màng cứng – vùng rỗng chứa chất béo bao quanh tủy sống. Một cục pin được cấy vào bụng, nối với điện cực qua dây dẫn luồn bên dưới da.
Từ vị trí cấy ghép, các bác sĩ thực hiện một động tác kiểu Frankenstein: điều khiển cho điện cực bên trong phát điện! Dòng điện này, được tính toán một cách chi tiết, đã kích thích các sợi thần kinh còn sót lại, khai thông một kênh giao tiếp giữa nửa thân dưới đã "chết" với não bộ.
Để rồi, qua con đường mới được khai thông, não bộ dần học cách chỉ huy một lần nữa hệ thống thần kinh đã chết ở nửa thân dưới, làm cho chúng sống dậy. Mục tiêu của phương pháp là một ngày, não bộ sẽ đủ sức tự điều khiển tất cả, bệnh nhân không còn phải nhờ vào điện cực hay các công cụ hỗ trợ nữa.
Một trong các bệnh nhân là anh Jered Chinnock (29 tuổi), người bị liệt tủy dẫn đến mất hết chức năng vận động và cảm giác nửa thân dưới, sau tai nạn trượt tuyết, đã kể câu chuyện của mình với báo giới.
Các chuyên gia vật lý trị liệu đang giúp anh Jered Chinnock tập luyện - ảnh: Mayo Clinic
Theo anh Chinnock, ngay từ tuần đầu tiên sau phẫu thuật, anh đã có thể bắt đầu tập đi lại với một dây nịt buộc quanh eo, cố định vào các công cụ hỗ trợ để chống té ngã. Sau 25 tuần, anh không cần dây nịt nữa mà chỉ cần vịn nhẹ vào thứ gì đó. Sau 1 năm, anh dần đi bộ được trên 100 mét, rồi đi bộ liên tục trong vòng 16 phút. Tuy nhiên, do chân còn yếu, các bác sĩ vẫn yêu cầu anh sử dụng khung đi bộ có bánh xe, giống kiểu người già hay sử dụng.
Hai bệnh nhân khác là cô Kelly Thomas (23 tuổi, ngụ tại bang Florida), một nạn nhân của tai nạn giao thông, liệt từ năm 2014 và anh Jeff Marquis (35 tuổi, ngụ tại bang Kentucky), bị tai nạn khi đi xe đạp leo núi. Họ cũng đã có những tiến bộ khả quan sau một thời gian được phẫu thuật và tập đi.
Cô gái trẻ Kelly hồi phục rất nhanh - ảnh: Đại học Louisville
Theo báo cáo, có thể nói đây là 3 người đầu tiên trên thế giới có thể đi lại được sau khi bị chẩn đoán liệt hoàn toàn không hồi phục nửa người bên dưới sau chấn thương tủy sống nghiêm trọng.
Bệnh nhân thứ 3 cũng hồi phục rất tốt - ảnh: Đại học Louisville
Công trình nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới chuyên môn, bởi có thể đem lại hy vọng cho hàng triệu người bại liệt trên khắp thế giới. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tinh chỉnh thiết bị thông qua kết quả ghi nhận từ các bệnh nhân đầu tiên và hy vọng sẽ sớm triển khai rộng rãi nó tại các đơn vị y tế khác.
Bình luận (0)