Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Icahn (Mount Sinai, New York, Mỹ), rối loạn phổ tự kỷ ghi dấu ấn sinh học lên con người thông qua sự chuyển hóa kim loại trong cơ thể.
Răng con người chứa các vòng tăng trưởng khá giống với các vòng chúng ta thường thấy trên thân cây bị chặt ngang. Tuy nhiên, các vòng này, vốn là vòng chu kỳ kẽm – đồng, mỏng đến mức khó nhìn thấy bằng mắt thường.
Các nhà khoa học đã dùng laser để kiểm tra răng sữa của 200 cặp song sinh ở Thụy Điển, dùng các thuật toán để xác định mối tương quan giữa các vòng kẽm – đồng và rối loạn phổ tự kỷ, từ đó chẩn đoán xem liệu đứa bé đó có phát triển chứng tự kỷ khi lớn lên hay không.
Qua vài năm, các em bé đến tuổi có thể chẩn đoán bệnh tự kỷ thông qua các phương pháp hiện tại. Đối chiếu với chẩn đoán thông qua răng sữa trước đó, họ nhận thấy độ chính xác của phương pháp kiểm tra răng sữa lên đến 90%.
Kiểm tra răng sữa có thể chẩn đoán tự kỷ chính xác 90%, thông qua phương pháp mới (Ảnh minh họa từ Internet)
Một số thử nghiệm khác trên các trẻ em ở Mỹ và Anh cũng cho kết quả tương tự.
Đáng mừng hơn, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những khác biệt trong sự chuyển hóa kẽm – đồng này không chỉ tìm thấy trong răng sữa. Những dấu ấn sinh học khác được phát hiện ngay cả ở các em bé còn trong bụng mẹ.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu vẫn đang mở rộng nghiêm cứu, nhằm giúp việc chẩn đoán tự kỷ thông qua sự chuyển hóa kẽm – đồng có thể thực hiện được ở cả các em bé mới sinh, chưa mọc răng.
Trong rối loạn phổ tự kỷ, việc chẩn đoán xác định sớm đóng vai trò tối quan trọng trong việc thiết kế một kế hoạch can thiệp sớm cho trẻ. Tự kỷ là căn bệnh suốt đời, không thể chữa khỏi nhưng những em bé được can thiệp sớm có cơ hội rất cao được nhập học ở các ngôi trường bình thường, sống cuộc đời bình thường, kết hôn và có công việc ổn định khi lớn lên.
Bình luận (0)