Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã tổ chức buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vào sáng 7-10. Tham dự có đại diện lãnh đạo 25 bệnh viện, các sở, ngành liên quan và BHXH TP HCM.
Nhiều vấn đề quá lạc hậu
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, cho biết ngành y tế sau dịch COVID-19 chưa kịp phục hồi đã gặp phải nhiều thách thức. Trước hết là biến động nhân viên y tế công lập chưa có điểm dừng nên cần sửa luật để có cơ sở pháp lý củng cố lực lượng nhân viên y tế công lập. Cần làm rõ trong Luật Khám chữa bệnh đã bao hàm tự chủ bệnh viện chưa. Bởi từ trước đến nay, công tác tự chủ bệnh viện chủ yếu dựa vào nghị định. Tự chủ còn nhiều điều chưa đáp ứng được thực tiễn, chưa thích ứng; tự chủ tài chính nhưng chưa tự chủ bộ máy… Vì vậy, cần mạnh dạn góp ý để củng cố lại vấn đề tự chủ bệnh viện.
Theo BS Thượng, ngoài tự chủ còn có xã hội hóa y tế. Nếu không có sự đóng góp của xã hội thì ngành y tế khó đáp ứng được nhiệm vụ. "Khi ngồi bàn bạc về xã hội hóa, chúng tôi lấy hình ảnh chiếc máy bay để dễ hiểu. Trên máy bay có người giàu, người nghèo. Tất cả đều ngồi trên máy bay hiện đại chứ xã hội hóa mà để người giàu ngồi trên máy bay mới, người nghèo ngồi máy bay cũ thì bất ổn" - BS Thượng ví von.
Theo BS Thượng, chưa bao giờ ngành y tế được quan tâm sâu sát như hiện tại. Mục tiêu là luôn theo đuổi, bảo đảm công bằng y tế cho mọi người. Bên cạnh đó, còn bảo đảm công bằng giữa các nhân viên y tế, bởi càng ngày càng có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế trong khi các cơ sở công lập và tư nhân đều làm việc nhiều như nhau. BS Thượng băn khoăn sắp tới sửa Luật Khám chữa bệnh có giải quyết được những vấn đề nóng hiện nay liên quan đến tự chủ bệnh viện, đấu thầu thuốc... "Chúng tôi cần sửa sớm vì có nhiều vấn đề quá lạc hậu" - BS Thượng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề bổ sung thêm nhân lực y tế, BS Tăng Chí Thượng cũng tha thiết trong luật bổ sung trợ lý điều dưỡng. Bởi trên thế giới, điều dưỡng có nhiều hệ, trong đó có trợ lý điều dưỡng. Ngành y tế Việt Nam chỉ có 1 loại hình điều dưỡng, trong khi điều dưỡng phải làm tất cả mọi việc thì rất khó đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh toàn diện.
Đại diện các cơ sở y tế phản ánh về những bất cập trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện nayẢnh: LIÊN ANH
Kê khai giá cần tính đúng, tính đủ
Kiến nghị tại cuộc họp, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết việc thẩm định quyền cấp và đình chỉ thu hồi giấy phép với cơ sở khám chữa bệnh hiện có xu hướng ai cấp người đó thu như sở cấp sở thu, bộ cấp bộ thu. Tại TP HCM có nhiều cơ sở y tế do Bộ Y tế cấp phép mà bộ thì ở xa nên việc theo dõi, giám sát chưa sát sao.
Về việc kê khai giá trang thiết bị hiện nay, BS Tuyết cho rằng chưa đủ. Ví dụ, máy siêu âm 2D có nhiều tính năng và sử dụng trong nhiều chuyên khoa như tim mạch, sản, ngoại tổng quát… khác nhau nhưng họ chưa kê khai đủ các model của máy. Như vậy áp giá đó để đấu thầu sẽ dẫn đến sai sót.
Đối với thẩm định giá, hiện có nhiều cơ sở đã đóng cửa vì nhiều vụ án xảy ra nên giờ tìm được cơ quan thẩm định giá rất khó. Nếu có thì một số cơ quan thẩm định giá cũng chưa đạt mức tin cậy. Về giá dịch vụ của các bệnh viện hiện nay chưa tính đúng, tính đủ. Cơ cấu giá mới chỉ có 3 phần, còn các phần khác chưa cơ cấu vào. Ví dụ công nghệ thông tin (CNTT), muốn xây dựng ngành y tế thông minh phải ứng dụng CNTT. Nhưng chưa cơ cấu vào giá dịch vụ nên không biết lấy tiền đâu để đầu tư cho CNTT. "Nếu không đầu tư thì người bệnh gặp khó khăn trong công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt đến năm 2023, Bộ Y tế buộc các bệnh viện hạng 1 phải xây dựng bệnh án điện tử nhưng tiền đâu để đầu tư cho khoản này. Một số bệnh viện tự chủ có quỹ phát triển sự nghiệp thì còn có để đầu tư nhưng cũng không dễ sử dụng. Ví dụ đề án xây dựng bệnh án điện tử của BV Hùng Vương xây 2 năm nay giờ có được kết quả phê duyệt thì cấu hình máy đã lạc hậu, lỗi thời" - BS Tuyết bày tỏ.
Sau buổi khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, nhận định tại các bệnh viện công hiện có rất nhiều vướng mắc, khó khăn trong tự chủ và mua sắm vật tư. Vì vậy, đoàn sẽ kiến nghị với Quốc hội. Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, cơ chế tự chủ của ngành y tế nói riêng và các đơn vị sự nghiệp đã giải quyết được nhiều việc. Tuy nhiên, khi Chính phủ ra các văn bản lại chưa tính đến tình hình hiện tại làm cho các bệnh viện gặp khó. Trước khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện báo cáo, Đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét phải có luật về đơn vị sự nghiệp hoạt động như thế nào, cơ chế ra sao, khi hiện nay không có luật để làm cơ sở ban hành nghị định, thông tư.
Tiết kiệm thời gian cho bác sĩ tập trung chuyên môn
Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, hiện nay các bệnh viện đang tốn công sức về việc đấu thầu quanh năm suốt tháng, thậm chí cả những vật dụng hành chính, quản trị cũng phải đấu thầu. Nên chăng hãy bỏ đấu thầu? Hiện các nước châu Âu đã thực hiện con đường này tại sao chúng ta cứ phải đi vào con đường đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị... nếu ngay từ đầu vào quản lý tốt. Ví dụ 1 thuốc đưa vào Việt Nam giá là như vậy thì từ Bắc vào Nam đều mua với giá đó. "Thời gian qua, có những sai sót nên chúng ta mất người tài trong lĩnh vực y tế. Chúng ta nên suy nghĩ điều này để có những đột phá, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ tập trung chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân" - bà Tuyết kiến nghị.
Bình luận (0)