Kính áp tròng được dùng để điều chỉnh các tật của mắt, thông dụng nhất là cận thị (80%) và chiếm tỉ lệ ít hơn ở các tật viễn thị, loạn thị, lão thị. Chúng được mang bằng cách áp sát vào giác mạc với kích thước và công dụng khác nhau, tùy theo chức năng điều chỉnh các tật của mắt.
Ngoài phương diện thẩm mỹ, kính áp tròng tạo tầm nhìn tốt hơn các loại kính đeo mắt cổ điển do không phải mang gọng kính và kính có thể chuyển động theo chuyển động của mắt. Từ đó, tầm nhìn chung quanh sẽ mở rộng và không có khoảng không gian bị nhòe, mờ. Vì vậy, kính áp tròng thường được chỉ định cho những người thuộc các ngành nghề cần sức nhìn tốt như nhà phẫu thuật, nhiếp ảnh gia,...
Các loại kính áp tròng trên thị trường
- Loại cứng: Kích thước ngày càng được thu nhỏ cho phù hợp với giác mạc. Ngày nay được làm bằng loại nguyên liệu giúp tăng khả năng thẩm thấu oxygen với tên gọi là LRPO (Lentilles Rigides Perméables à l' Oxygène).
- Loại mềm: Còn được gọi là kính thấm nước, chứa 40% - 80% nước giúp thẩm thấu oxygen, tiện lợi cho người dùng.
- Kính dùng hàng ngày: Thích hợp cho những người khi cần thiết mới phải mang kính hoặc chưa có kinh nghiệm mang kính.
- Kính hàng tháng: Làm từ silicone hydrogel giúp tăng nhuệ độ thị giác, gồm hai loại: mang liên tục một tháng rồi bỏ và mang hàng ngày, tối phải ngâm rửa để mang lại vào ngày hôm sau.
- Kính bảo vệ mắt: Giúp mắt chống lại tia UV.
- Kính đổi màu mắt: Làm màu mắt thay đổi theo ý người dùng.
- Kính vui nhộn: Gây ngạc nhiên khi tạo mắt người giống như mắt... mèo với nhiều kiểu dáng.
Các bất tiện thường gặp
Tuy nhiên, kính áp tròng cũng có một số bất tiện như:
- Đòi hỏi phải lau rửa thường xuyên.
- Việc mang kính có thể làm mắt bị kích thích hoặc bị dị ứng do các nguyên liệu cấu tạo kính.
- Đôi khi mang kính có thể dẫn đến phù nề giác mạc.
Ngoài ra cần chú ý:
- Không nên đeo kính quá date.
- Luôn rửa tay sạch trước khi cầm kính.
- Đừng quên khám mắt đều đặn để chọn loại kính thích hợp theo thời gian và hạn dùng.
Bình luận (0)