Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết mục tiêu quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức tại TP HCM sáng 16-5. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí phục vụ cho 4 chương mục tiêu quốc gia (gồm y tế, dân số/kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS) là 17.132 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chuyên môn y tế đã được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2011-2015 vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể: Kế hoạch đặt ra là 100% bệnh nhân phong được săn sóc tàn tật nhưng mới đạt 85%; khống chế tỉ lệ lây truyền bệnh lao kháng thuốc, tăng tỉ lệ tiếp cận với điều trị lao đa kháng thuốc đạt 30% (trong khi kế hoạch là 55%); tăng dưới 5% bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đồng thời giảm tỉ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng (kế hoạch là 5%-10%); tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện còn 22% (kế hoạch là 19,3%); 50% trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện và can thiệp sớm để ngăn ngừa và điều trị phục hồi khuyết tật (kế hoạch là 60%); 52,4 % các tỉnh/thành phố Trung ương có mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (kế hoạch là 100%); 65% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV (kế hoạch là 90%)…
Ngoài ra, các chỉ tiêu y tế tuy đã đạt, thậm chí vượt so với kế hoạch được phê duyệt của gia đoạn 2011-2015 nhưng vẫn còn sự chênh lệch không nhỏ giữa các vùng, miền, đặc biệt ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, Tây Nguyên, như: tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỉ lệ tử vong sơ sinh, tử vong bà mẹ...
Nhiều địa phương nêu khó khăn trong việc chờ cấp kinh phí hoạt động y tế.
Theo báo cáo, dù còn nhiều chỉ tiêu y tế quốc gia chưa hoàn thành song tổng kết trước hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá ngành y tế cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Bộ trưởng Y tế cho rằng còn nhiều tồn tại trong việc thực hiện các mục tiêu là vì không có đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Bà giao đầu mối cho Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính (thuộc Bộ Y tế) và các cục nghiên cứu, bàn thảo, học hỏi mô hình các nước và đề xuất giải pháp để đến đầu tháng 8 này phải hoàn thành. "Đối với các địa phương cũng nên tự nghiên cứu, đề xuất mô hình, giải pháp phù hợp. Trên cơ sở đó mà chọn mô hình nào có lợi cho ngành y tế, cho dân nhất chứ không phải như hiện nay”, bà Tiến yêu cầu.
Bình luận (0)