Sáng 27-12, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu- BVNĐ 1 cho biết ngày 24-12, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận cháu trai 2 tuổi Ph. N. Y. 2 tuổi, ngụ tại Tiền Giang được bệnh viện địa phương chuyễn lên trong tình trạng khó thở bứt rứt, tím tái, quấy khóc. Trưa hôm đó, bé đột ngột khó thở, thở rít, nên được đưa đến bệnh viện địa phương. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm thanh quản cấp, chưa loại trừ dị vật đường thở, được các bác sĩ sơ cứu và chuyển ngay lên BVNĐ 1.
Do nghi ngờ dị vật đường thở, khoa Cấp cứu đã hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa hình ảnh và tiến hành chụp CT scan đường thở cho bé Y. Kết quả trên phim cho thấy có dị vật ở phần chia đôi phế quản gốc (xem hình).
Dị vật trên phim CT scan đường thở
Khoa liền tiến hành hội chẩn lần 2 với khoa Tai Mũi Họng. Ngay sau đó, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã nội soi đường thở gắp ra nhiều mảnh vụng dị vật ở phế quản gốc phải và trái.
Sau gắp dị vật, em hết khó thở và không cần thở oxy nữa. Với những mảnh dị vật gắp được và hỏi kỹ những người trông trẻ thì được biết trước đó bé Y. có ăn hạt cây điệp.
Dị vật là mảnh vỡ hạt điệp được gắp ra từ nội soi đường thở |
Qua trường hợp này, các bác sĩ lưu ý người trông nom trẻ lưu ý không để trẻ, đặc biệt là những trẻ nhỏ ngậm, nhai, nuốt những thứ dễ gây hóc đường thở. Dù những vật này nhỏ như hạt điệp chẳng hạn, thậm chí là phần mảnh nhỏ của hạt điệp như ca di vật này, cũng có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bình luận (0)