Mất 160 cm2 da đỉnh đầu, tóc vẫn mọc lại
Trước đây, đối với những trường hợp như cháu Th. chỉ có một cách duy nhất là ghép da tự thân của bệnh nhân nhưng kết quả sau một thời gian da ghép trở nên sẫm màu và mọc lông. Để có thể thay da mặt nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ về sau thì trình độ y học của VN chưa thực hiện được. Còn nay, chỉ với 3 lần cấy túi silicone, nuôi da từ vùng cổ trái, toàn bộ nửa mặt bên trái của Th. đã được che phủ bằng lớp da hoàn toàn bình thường, các vết sẹo được các bác sĩ giấu ở những vùng khó nhận thấy nhất.
Anh Bùi Duy L., 31 tuổi, bộ đội phục viên ở thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Dương là một trường hợp khác. Do bị bỏng điện cao thế từ tháng 9-1999, anh mất toàn bộ da vùng đỉnh đầu, diện tích da bị mất rộng tới 160 cm2, làm mất một miếng xương sọ bằng bàn tay thậm chí lộ cả não. Với các kỹ thuật tạo hình thông thường không thể vừa che kín vùng hở não và làm cho tóc mọc bình thường. Tháng 4-2001, anh bắt đầu được các bác sĩ điều trị bằng kỹ thuật giãn da. Sau 2 lần phẫu thuật, cấy 2 túi silicone ở vùng da đầu bình thường và nuôi da trong vòng hai tháng, toàn bộ vùng sẹo bỏng và lộ sọ đã được che phủ hoàn toàn. Da đầu nuôi cấy đã mọc tóc. Cuộc sống của anh L. đã trở lại gần như bình thường.
Giãn da là gì?
Theo các tài liệu khoa học, da có khả năng giãn rất kỳ lạ. Chẳng hạn da vùng bụng của phụ nữ mang thai có thể tăng diện tích gấp 2 - 4 lần bình thường. Một số bộ lạc ở châu Phi còn có tập quán căng môi, căng tai từ hàng nghìn năm nay: Chỉ với một khung đồng, họ có thể làm tăng diện tích môi, tai lên hàng chục lần! Thế nhưng cũng phải tới năm 1976, một bác sĩ người Mỹ mới phát minh ra phương pháp dùng một hệ thống bơm giãn da bằng silicone để làm tăng diện tích da ngay trên người bệnh. Kỹ thuật này đã nhanh chóng được các bác sĩ tạo hình, thẩm mỹ đón nhận và cải tiến liên tục. Bác sĩ Trần Thiết Sơn, người đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật này ở VN, cho biết: Giãn da có nhiều cách khác nhau, song cách được các bác sĩ tạo hình thẩm mỹ áp dụng nhiều nhất là cấy một túi silicone đặc biệt xuống dưới vùng da lành, bên cạnh vùng bị tổn thương cần cắt bỏ như sẹo bỏng, sẹo chấn thương hay một số u lành tính của da...
Bác sĩ Sơn cho biết, anh đã có dịp làm quen với kỹ thuật này trong đợt thực tập tại Pháp năm 1994. Giữa năm 1995, lần đầu tiên một bệnh nhân bị sẹo bỏng hai má đã được anh điều trị thành công bằng phương pháp giãn da hiện đại. Từ đó đến nay, với sự hướng dẫn về chuyên môn của GS-TS Lê Thế Trung, chuyên viên đầu ngành bỏng VN, anh tiếp tục nghiên cứu, cải tiến nhiều công đoạn kỹ thuật và đã xây dựng thành công một thường quy kỹ thuật cho việc giãn da thẩm mỹ phù hợp với người Việt Nam. Tính đến nay, đã có gần 80 trường hợp được điều trị bằng kỹ thuật giãn da, trong đó có nhiều ca được tiến hành ở những vị trí rất phức tạp như: tai, cổ, đầu, khoeo, nách, vú...
Mở ra hướng điều trị u hắc tố
Theo bác sĩ Trần Thiết Sơn, kỹ thuật giãn da mới có thể khắc phục tất cả những nhược điểm của kỹ thuật trước kia. Với kỹ thuật mới, lượng da thu được để ghép có thể đạt được theo ý muốn, không gây biến dạng nơi đã cho vạt da. Đặc biệt, vạt da giãn hoàn toàn có tính chất, cấu trúc, màu sắc như nơi nhận. Vì thế sau khi được ghép màu sắc và cảm giác của da bình thường, các thành phần của da như tuyến mồ hôi, tuyến bã, nang lông, lông... không bị thay đổi sau khi phẫu thuật, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về thẩm mỹ, giúp bệnh nhân tự tin hơn trong cuộc sống.
Các kết quả của kỹ thuật giãn da của Trung tâm Phẫu thuật THTM Hà Nội đã được báo cáo tại hội nghị tạo hình Pháp tháng 1-2001 tại Paris, các đồng nghiệp Pháp đã đánh giá rất cao kết quả điều trị của các phẫu thuật viên Việt Nam. Đặc biệt, có một ca được đánh giá là đầu tiên trên thế giới. Đó là trường hợp của cháu bé Th. đã nêu ở trên. Khó khăn hiện nay là chi phí cho phẫu thuật giãn da còn khá cao (ví dụ một túi giãn da giá khoảng 3 triệu đồng), cũng là một trong những nguyên nhân khiến kỹ thuật này chưa được áp dụng rộng rãi ở VN.
Bình luận (0)