Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, học sinh, sinh viên đi học lại làm tăng tiếp xúc, trong khi thời gian qua việc tiêm chủng vắc-xin não mô cầu bị gián đoạn. Những đối tượng chưa được tiêm chủng cũng như trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và thanh thiếu niên chưa được tiêm mũi vắc-xin nhắc lại có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Não mô cầu: Căn bệnh ám ảnh
Theo các chuyên gia, mỗi loại dịch bệnh đều có sự nguy hiểm của nó nhưng ám ảnh nhất là bệnh não mô cầu vì đã từng gây ra nhiều ca tử vong nhanh chóng, diễn ra ngay trước mắt người thầy thuốc mà không làm gì được.
TS-BS Nguyễn An Nghĩa, Phó Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh thường bùng phát vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Các nhóm trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao như trẻ em dưới 5 tuổi và thiếu niên từ 10-16 tuổi. Tuy vậy, người lớn cũng không nên lơ là vì đây là bệnh mà tất cả nhóm tuổi đều có thể mắc phải.
"Bệnh não mô cầu diễn tiến rất nhanh, trẻ có thể tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện. Nếu không được điều trị kịp thời, có từ 50%-70% trẻ tử vong. Ngay cả khi bệnh nhi đã được cứu sống, vẫn có khoảng 20% trẻ bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi..." - BS Nghĩa cảnh báo.
Lập lá chắn bảo vệ sức khỏe bằng cách tiêm vắc-xin
Nhắc đến sự nguy hiểm của bệnh này, bác sĩ An Nghĩa không quên ca bệnh khiến ông vẫn còn ám ảnh, đau lòng nhưng đau nhất vẫn là người thân của bé. Đó là một bé trai 4,5 tháng tuổi ở Bình Chánh, TP HCM, nhập viện cấp cứu do mắc bệnh não mô cầu. Do tình trạng thiếu máu nuôi và hoại tử mô, các bác sĩ phải đoạn chi mới cứu được bệnh nhi. Bé phải đoạn chi từ phần gối bên trái, một số ngón tay.
Theo giới chuyên môn, bệnh do nhiễm não mô cầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh thường có thể lâm sàng như viêm màng não (khoảng 50% trường hợp), nhiễm khuẩn huyết (38% trường hợp) hay viêm phổi do vi khuẩn (9% trường hợp) và một số thể lâm sàng khác. Trong đó, viêm màng não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường gặp nhất. Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước. Do các triệu chứng ban đầu giống với triệu chứng của bệnh cúm khiến nhiều người nhầm lẫn, khó chẩn đoán, gia tăng khả năng trở nặng, gây tử vong cao. Trẻ càng nhỏ, càng khó phát hiện bệnh.
Chặn nguồn lây cộng đồng
Theo các bác sĩ, ngoài bệnh nhiễm não mô cầu thì các dịch bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà vẫn luôn rình rập bùng phát và có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao vì tham gia nhiều hoạt động giao tiếp xã hội. Nhóm tuổi này còn có thể mang nguồn bệnh lây nhiễm cho trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi ở nhà.
Năm 2019-2020, dịch bạch hầu từng bùng phát ở Tây Nguyên khiến hàng ngàn người phải cách ly, hàng trăm người mắc bệnh và nhiều trường hợp tử vong. Đa số các ca mắc là thanh thiếu niên và người lớn chưa chủng ngừa hoặc chưa được chủng ngừa đầy đủ.
PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa, chuyên gia vi sinh và an toàn tiêm chủng Viện Pasteur TP HCM, cảnh báo nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên mà thường chỉ tập trung vào đối tượng trẻ nhỏ. Thực tế, tỉ lệ thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng bệnh do nhiễm não mô cầu vẫn còn khá cao. Còn đối với các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, dù đã được tiêm chủng từ nhỏ nhưng theo thời gian, kháng thể từ các mũi tiêm này sẽ giảm dần, không còn đủ khả năng bảo vệ cho trẻ.
BS Nguyễn An Nghĩa lưu ý phụ huynh cần quan tâm phòng ngừa bệnh cho thanh thiếu niên là rất quan trọng, không chỉ giúp bảo vệ bản thân cho trẻ mà còn góp phần bảo vệ mọi người xung quanh.
Hiện nay, đã có vắc-xin phòng bệnh do nhiễm não mô cầu. Tại Việt Nam, vắc-xin não mô cầu có 2 loại: thứ nhất là vắc-xin não mô cầu BC gồm 2 nhóm huyết thanh B và C, phác đồ tiêm 2 liều, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều từ 6-8 tuần; thứ hai là vắc-xin não mô cầu tứ giá cộng hợp 4 nhóm huyết thanh A, C, Y và W-135, tiêm 1 liều cho thanh thiếu niên và có thể tiêm 1 liều nhắc lại cho người từ 15 - 55 tuổi, nếu liều vắc-xin trước được tiêm ít nhất 4 năm.
Riêng vắc-xin ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà cần được thực hiện suốt đời, tiêm nhắc mỗi 10 năm 1 lần để duy trì kháng thể phòng bệnh. Hội Y học dự phòng Việt Nam khuyến cáo tiêm mũi nhắc này cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Mũi tiêm nhắc bạch hầu - uốn ván - ho gà đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, tạo miễn dịch cộng đồng, giúp ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan dịch bệnh.
Hàng triệu người được bảo vệ
Bệnh bạch hầu gây ra các biến chứng nguy hiểm: tắc nghẽn đường hô hấp, viêm phổi, viêm dây thần kinh, viêm cơ tim, hoại tử ống thận và có thể gây tử vong. Bệnh ho gà, 1 người có thể lây cho 10-17 người với biến chứng viêm phổi, ngưng thở, ăn uống kém, co giật... Còn uốn ván gây co thắt cơ hô hấp, khó thở với tỉ lệ tử vong 10%-20% dù bệnh nhân được điều trị tích cực. Mỗi năm, vắc-xin cứu sống gần 3 triệu người trước những dịch bệnh nguy hiểm, gần một nửa trẻ em trên toàn thế giới được vắc-xin bảo vệ khỏi bệnh tật, khuyết tật và tử vong. Tại Việt Nam, trong 25 năm qua, vắc-xin đã bảo vệ hơn 6,7 triệu trẻ em và ngăn chặn hàng trăm ngàn ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Bình luận (0)