Ca tử vong do nhiễm virus cúm H5N1 đầu tiên trong năm 2014 xuất hiện đúng vào mùa sinh sôi của virus cúm, mùa đông - xuân.
Tử vong, nguy kịch do nhiễm virus cúm
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trường hợp đầu tiên tử vong do cúm A/H5N1 trong năm 2014 là một nam giới 52 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước. Điều tra dịch tễ cho thấy gia đình bệnh nhân có giết mổ, ăn thịt vịt và địa bàn sinh sống có hiện tượng gà chết không rõ nguyên nhân.
Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 21-1 cũng điều trị một Bệnh nhân nữ, 39 tuổi, trú Hà Nội, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng. Ở gia đình bệnh nhân này cũng có gà chết. Hiện mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này đang được đưa đi xét nghiệm để xác định chủng cúm.
Theo nhận định của giới chuyên môn, sự trở lại của cúm A/H5N1 trên người sau 9 tháng tạm lắng không phải là điều bất ngờ bởi Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát. Đó là tại nước láng giềng Campuchia đang trải qua đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 nghiêm trọng nhất kể từ khi chủng virus này được phát hiện. Trong khi đó, việc thông thương buôn bán tại những địa phương có chung đường biên giới với Campuchia không được kiểm soát chặt chẽ, cùng với tâm lý chủ quan của người chăn nuôi, giết mổ gia cầm. Theo ông Phu, kể từ khi virus này xuất hiện, Việt Nam đã ghi nhận 153 trường hợp mắc, 63 trường hợp tử vong.
Khó chẩn đoán, điều trị
Theo giới chuyên môn, trong khi nhiều tỉnh phía Nam đứng trước nguy cơ virus cúm H5N1 bùng phát trên người thì ở phía Bắc, virus cúm H7N9 cũng đang đe dọa. GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương, cho biết đến thời điểm này chưa phát hiện sự thay đổi về độc lực của virus cúm, chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ người sang người cũng như sự tích hợp giữa virus H5N1 và H1N1. Song lo ngại nhất là virus cúm A/H5N1 biến đổi thích ứng lây từ người sang người.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết virus cúm A/H5N1 chủ yếu xuất hiện trên gia cầm, cả ốm, chết lẫn khỏe mạnh. Tuy tỉ lệ mắc bệnh trên người thấp nhưng tử vong lại rất cao, chiếm tới hơn 50%. Hiện Tamiflu vẫn là loại thuốc điều trị hiệu quả với virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ hiệu quả nếu phát hiện và điều trị sớm (trong vòng 48 giờ).
Giới chuyên môn cũng thừa nhận nếu chỉ dựa vào triệu chứng và cảm quan thì khó phân biệt đâu là cúm mùa, đâu là cúm gia cầm. Bởi lẽ, biểu hiện của nhiễm cúm A/H5N1 giống như các loại cúm và viêm đường hô hấp khác như sốt cao, ho, đau họng, chảy nước mũi. Để xác định chủng virus cúm buộc phải xét nghiệm tại các cơ sở chuyên khoa. Ngoài ra, các thầy thuốc có thể dựa vào yếu tố dịch tễ như nơi sinh sống có gia cầm ốm, chết để quyết định cho người bệnh sử dụng Tamiflu sớm.
Theo bác sĩ Hà, thời điểm cận Tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm diễn ra phổ biến. Hơn nữa, mùa đông xuân là mùa cúm, do đó khả năng người dân nhiễm các loại cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng là rất lớn. “Khi có các biểu hiện cúm thì nên đi khám để được điều trị đúng. Người bệnh không nên tự mua Tamiflu về uống vì sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc” - bác sĩ Hà khuyến cáo.
Ngày 21-1, Cục Thú y, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại tỉnh Bắc Ninh làm chết 9.787 con gia cầm.
Hàng chục học sinh nhập viện vì cúm
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong 3 ngày qua đã tiếp nhận 2 chùm ca với hơn 20 trường hợp có hội chứng cúm. Bệnh nhân đều là học sinh của một trường THCS thuộc khu vực Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Các em nhập viện trong tình trạng sốt, nhiễm trùng đường hô hấp. Sau khi được thăm khám, điều trị, nhiều em đã xuất viện. Xét nghiệm ban đầu cho thấy một số học sinh có kết quả dương tính với cúm A. Hiện các mẫu bệnh phẩm đang được tiếp tục xét nghiệm để định danh chủng virus cúm.
Bình luận (0)