Cách đây ít ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân Vũ Quang M., 51 tuổi (trú quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, toàn thân có nhiều mảng hoại tử do nhiễm liên cầu khuẩn. Dù được điều trị hơn 2 tuần qua nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Trước khi nhập viện, ông M. có ăn tiết canh heo và thường xuyên uống rượu. Sau đó, ông có biểu hiện sốt, khó thở… nhưng nghĩ là bị ốm thông thường nên tự điều trị ở nhà và chỉ nhập viện khi xuất hiện các ban hoại tử trên da.
Một bệnh nhân khác - 36 tuổi, ở Hà Nội - cũng đang trong tình trạng sốc, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân được lọc máu, thở máy và dùng các biện pháp hồi sức tích cực nhưng tiên lượng vẫn rất nguy kịch. Bệnh nhân này làm nghề bán thịt heo, nghiện rượu và cũng thường xuyên ăn tiết canh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết trong tháng 5, bệnh viện cũng đã tiếp nhận 3-4 trường hợp bị viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn. Trong đó, vài người có tiền sử nghiện rượu, ăn lòng heo tiết canh. “Nhìn bát tiết canh bắt mắt, nhiều người không thể kìm lòng. Nhưng trong tiết canh tiềm ẩn rất nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm, đặc biệt là liên cầu khuẩn. Người chưa nhiễm bệnh này thì xem thường nhưng khi đã nhiễm mới biết nó đáng sợ như thế nào” - bác sĩ Cấp cảnh báo.
Nhiều người cũng có tâm lý ngại ăn phải tiết canh của heo bệnh, họ tìm mua heo mán ở các vùng núi vì nghĩ là heo sạch. Nhưng rồi đã có những thanh nhiên “gục ngã” ngay sau vài giờ thưởng thức món khoái khẩu. Lý giải điều này, bác sĩ Cấp cho biết vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của heo, kể cả khi heo vẫn khỏe mạnh bình thường. Khi ăn thịt chưa nấu chín hay tiết canh từ những con heo này, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là những người nghiện rượu, xơ gan, tiểu đường… vốn có sức đề kháng yếu.
Không chỉ đe dọa mạng sống, căn bệnh này cũng để lại những di chứng đáng buồn với khoảng 40% bệnh nhân giảm thính lực, có người bị điếc vĩnh viễn. Với những bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn có sốc nhiễm độc, trụy mạch, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê thì nguy cơ tử vong đến 50%...
Bài học từ món tiết canh rõ ràng là chưa hề cũ!
Bình luận (0)