Làm đẹp để có sắc diện dễ nhìn, thêm tự tin khi giao tiếp là nhu cầu chính đáng, song do thiếu kiến thức nên trong quá trình làm đẹp, không ít người từ vai trò là khách hàng bỗng chốc biến thành bệnh nhân, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.
Tin người quen, thích giảm giá
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 47 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, co giật, mắt bên trái mất thị giác hoàn toàn. Bệnh nhân cho biết có tiêm filler nâng mũi ở tiệm quen và cũng vì thân quen nên bà khá tin tưởng. Sau khi tiêm khoảng 15 phút, bà bắt đầu có biểu hiện nóng đầu, hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật. Ngay sau đó, bà được nhân viên spa tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Các bác sĩ đánh giá đây là ca cấp cứu nghiêm trọng với chẩn đoán tắc động mạch não và nhiều mạch máu vùng mặt. Bệnh viện đã huy động bác sĩ nhiều chuyên khoa, đồng thời nhờ các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương sang hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân mới tỉnh táo, mắt trái dần cảm nhận được ánh sáng khi chiếu đèn.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu kỹ và đến các cơ sở y tế được cấp phép
Một trường hợp khác là thiếu nữ 16 tuổi ở Bắc Kạn được gia đình đưa đến Bệnh viện Da liễu trung ương sau 2 ngày tiêm filler nâng mũi tại một spa ở địa phương. Bệnh nhân cho biết spa này của một chị bạn quen biết. Khi nghe chủ spa nói về phương pháp tiêm filler nâng mũi vừa được thực hiện ở spa và sẽ giảm 50% chi phí làm đẹp cho những trường hợp đầu tiên nên người này lập tức đồng ý. Chỉ 10 phút sau tiêm, cô có biểu hiện đau đầu, đau mắt dữ dội. Lúc này, chủ spa trấn an và cho uống thuốc giảm đau. Sau uống thuốc, tình trạng đau đã giảm khiến bệnh nhân chủ quan không đi khám. Hôm sau, bệnh nhân đau nhiều hơn, mắt nhìn mờ, lúc này gia đình đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, do quá muộn, mắt phải của bệnh nhân đã mù hoàn toàn.
Cách đây không lâu, một phụ nữ quê ở Cà Mau tử vong sau khi hút mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép. Một nữ bệnh nhân khác 22 tuổi quê ở Long An cũng tử vong sau khi nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ viện "chui" trên địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng Khoa Laser và Săn sóc da Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết ở bệnh viện, các bác sĩ gặp không ít nạn nhân của việc làm đẹp bất chấp sức khỏe và tính mạng. "Có những bệnh nhân mới chỉ 15-16 tuổi đến khám vì sau tiêm filler ở các spa, tiệm gội đầu... để nâng mũi, độn cằm thì thấy mắt mờ dần, mặt biến dạng, nổi u cục, bầm tím, thậm chí có ổ mủ. Bình thường 1 ml filler bảo đảm chất lượng sẽ có giá từ 8-10 triệu đồng nhưng có nhiều người chia sẻ khi mua trên các trang thương mại điện tử chỉ có giá 300.000-500.000 đồng. Với sản phẩm không bảo đảm chất lượng lại tiêm ở những cơ sở không có bác sĩ chuyên môn nên nguy cơ tai biến rất cao" - bác sĩ Thành nói.
99% bệnh nhân là nạn nhân của các cơ sở làm đẹp chui
Theo PGS-TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương, nhu cầu làm đẹp đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều "bác sĩ tay ngang", thậm chí nhân viên spa cũng làm thẩm mỹ, các cơ sở làm đẹp mọc lên tràn lan với đủ chiêu trò quảng cáo khiến tỉ lệ bệnh nhân bị tai biến ngày càng tăng. Đáng nói là vẫn có rất nhiều người do thiếu thông tin, kiến thức và lựa chọn cơ sở làm đẹp không đúng nên tỉ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ tăng lên.
Tai biến trong thẩm mỹ thường là do sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng thời gian sử dụng, nhân viên y tế không được đào tạo bài bản, nhiều cơ sở hoạt động không phép... Thậm chí, có cơ sở không nhận biết được dấu hiệu tai biến nên xử lý sai cách khiến bệnh nhân lỡ "thời gian vàng" cấp cứu, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
PGS-TS Lê Hữu Doanh cho biết với những can thiệp như tiêm filler đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt hệ thống mạch máu phức tạp. "Thực tế các ca tai biến do tiêm filler mà bệnh viện tiếp nhận xử lý có 99% bệnh nhân thực hiện tại các cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp không được phép thực hiện các can thiệp này. Đáng ngại là nhiều người cứ cho rằng làm đẹp là việc đơn giản nên cứ đến các spa, cơ sở chăm sóc sắc đẹp, chỉ khi gặp tai biến mới đến bệnh viện xử lý" - PGS-TS Lê Hữu Doanh lo ngại.
Cảnh báo biến chứng tắc mạch dẫn đến hoại tử và mù mắt là biến chứng rất nặng nề khi tiêm filler, PGS-TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, cho biết khi người thực hiện thủ thuật không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao. Thuốc sẽ theo mạch máu đi vào não, nếu tắc mạch não gây đột quỵ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi động mạch mắt bị tắc, hiện tượng hoại tử sẽ diễn ra rất nhanh, thời gian để can thiệp chỉ 60-90 phút.
Nhu cầu cao, nhân lực thiếu
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ, hiện các cơ sở tư nhân tham gia thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khá nhiều, trong khi nguồn nhân lực trong lĩnh vực này lại thiếu. Theo quy định, các phương pháp làm đẹp có xâm lấn như nhấn mí, tiêm filler, nâng mũi, nâng ngực, tiêm mỡ, hút mỡ... phải được cấp phép. Để có thể mở cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ thì người làm phải có chức danh nghề của Sở Y tế cấp và phải là bác sĩ mới được cấp phép chức danh nghề thuộc chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Cơ sở thẩm mỹ phải thuộc phòng khám mới được thực hiện các hình thức phẫu thuật. Mặt khác, phẫu thuật thẩm mỹ được coi là đa ngành nghề, tức là phải làm nhiều kỹ thuật như gây tê, gây mê... Nếu bác sĩ thực hiện phẫu thuật không được đào tạo đúng chuyên môn thì khi biến chứng xảy ra sẽ không thể biết cách xử lý, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng khách hàng.
Bình luận (0)