Sự đau đớn, vật vã của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đang được xoa dịu phần nào nhờ chương trình chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP HCM.
Nâng đỡ tinh thần
Bé trai L.N.L (10 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) mắc bệnh ung thư xương đã di căn đến phổi mà y học cả trong và ngoài nước đều bó tay. Tham gia chương trình Chăm sóc giảm nhẹ của BV Ung Bướu TP HCM, nỗi đau thể xác, tinh thần của em được vơi đi phần nào. Luân phiên hằng ngày, hằng tuần, các bác sĩ phụ trách đến tận nhà để vừa điều trị vừa hỗ trợ tinh thần cho L. quên đi bệnh tật, giảm bớt cơn đau, có được giấc ngủ ngon và vui nhất là em được chơi game thỏa thích.
Tại quận Gò Vấp, TP HCM, căn bệnh ung thư vú ngày càng hành hạ một cô giáo mầm non tuổi đời còn khá trẻ. Biết thời gian mình tồn tại trên cõi đời không còn bao lâu, cô đã tranh thủ tâm sự, chia sẻ những điều mong ước, đặc biệt là gửi gắm 2 con nhỏ cho người thân chăm sóc. Các bác sĩ đã giúp cô đạt được tâm nguyện cuối cùng. Khi đã chuẩn bị xong tinh thần, cô thanh thản ra đi...
Đây là 2 trong số hàng trăm trường hợp được các bác sĩ đến tận nhà chăm sóc, điều trị. Theo TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung Bướu, những bệnh nhân tham gia chương trình Chăm sóc giảm nhẹ đều mắc bệnh ung thư nặng với 74% ở giai đoạn 4 và nhiều người không thể đến BV điều trị. Vì vậy, nhân viên y tế sẽ đến tận nhà để tư vấn, khám bệnh, giải thích, dự báo diễn biến bệnh tình tiếp theo. Lúc này, thân nhân sẽ thay người bệnh đến cơ sở y tế mua thuốc theo toa bác sĩ. Thống kê cho thấy loại ung thư thường gặp nhất ở bệnh nhân nữ là đường tiêu hóa, vú, phụ khoa...; ở bệnh nhân nam là gan, đầu - mặt - cổ, phổi, đường tiêu hóa...
Đậm tính nhân văn
Từng tiếp xúc, điều trị tại nhà không biết bao nhiêu ca ung thư, bác sĩ Quách Thanh Khánh, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Ung Bướu, cùng ê kíp rất cảm thông với nhiều hoàn cảnh, số phận. Bác sĩ Khánh cho biết mục đích của chăm sóc giảm nhẹ là giúp bệnh nhân ung thư quên đi bệnh tật, kéo dài thêm thời gian sống chất lượng đến cuối đời. Đã có trường hợp tưởng chừng chỉ sau 1 tuần, bệnh nhân sẽ mất nhưng đã kéo dài được 6-7 tháng, thậm chí đến 2 năm, đủ thời gian cho người thân ở xa sắp xếp trở về.
“Thời gian sống của những người ung thư giai đoạn cuối giống như cánh cửa sổ, khi còn hé thì thân nhân hãy đến với họ, đừng để đóng lại rồi thì gió cũng không vào được” - bác sĩ Khánh ví von.
Khảo sát hơn 300 bệnh nhân đang tham gia chương trình Chăm sóc giảm nhẹ do nhóm bác sĩ Phan Đỗ Phương Thảo, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Ung Bướu, thực hiện mới đây cho thấy mỗi người sau 2 lần được bác sĩ chăm sóc tại nhà thì tâm lý được cải thiện đáng kể, cảm giác thoải mái, biết chia sẻ ý nghĩ tích cực với người thân, bạn bè. Các triệu chứng của bệnh nhân được ghi nhận trong quá trình chăm sóc tại nhà gồm: đau (98,5%), mệt mỏi (98,5%), mất ngủ (93,9%), buồn chán (92,4%), táo bón (72,7%), khó thở (48,5%), buồn nôn (47%)…
Theo các chuyên gia, mỗi năm tại Việt Nam có 200.000 người mới mắc ung thư và 100.000 người tử vong vì bệnh này. Khoảng 70% bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa ở giai đoạn muộn. Những bệnh nhân này hầu hết được chỉ định điều trị với mục đích chăm sóc giảm nhẹ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh nhân thường có tâm lý, tư tưởng bi quan, chán nản… và điều này càng khiến cho khả năng tử vong đến nhanh hơn.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đánh giá chăm sóc giảm nhẹ là một chương trình mang đậm tính nhân văn, rất có ý nghĩa về mặt tinh thần, mang lại cho người bệnh trạng thái nhẹ nhàng và cảm giác không bị bỏ rơi. Trong chiến lược phòng chống ung thư ở nước ta đến năm 2020, chăm sóc giảm nhẹ đóng một vai trò quan trọng. Song song với công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị, chương trình chăm sóc giảm nhẹ góp phần kéo giảm tỉ lệ tử vong, biến chứng do ung thư để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, đồng thời giúp giảm nhẹ công việc chăm sóc cho thân nhân người bệnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 12,7 triệu người mắc ung thư và 7,6 triệu người chết vì bệnh này, trong đó 70% tập trung ở các nước đang phát triển. Hiện trên toàn cầu có khoảng 20 triệu người sống chung với bệnh ung thư và nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, con số này sẽ là 30 triệu vào năm 2020.
Bình luận (0)