Bạn đọc Nguyễn Hà Trang (45 tuổi, ngụ Hà Nội) hỏi: Miền Bắc đang trở lạnh và rất lạnh. Do khí hậu thay đổi đột ngột nhiều trẻ không thích nghi nên dễ bị bệnh, đã có không ít trẻ nhập viện vì bị liệt mặt, méo miệng. Có trẻ bên nhà hàng xóm bị méo miệng, ăn cơm cứ bị rớt ra ngoài, gia đình để ý nên phát hiện được. Tôi rất lo con mình cũng có thể bị như vậy. Nên làm gì cho trẻ khi tiết trời bắt đầu trở lạnh?
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, trả lời:
Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi mùa lạnh đến sẽ xuất hiện những bệnh liên quan chủ yếu đến đường hô hấp trên từ họng, mũi, xoang đến thanh, khí phế quản... Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn tuổi dễ mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, tiểu đường... do sức đề kháng suy giảm. Nhiệt độ giảm thấp, lạnh đột ngột, trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh, nhất là ở những trẻ có sức đề kháng kém như khi đi học sớm không được giữ ấm đúng cách, tắm muộn…Tác nhân thông thường là do virus. Có rất nhiều loại virus có thể gây ra viêm đường hô hấp trên (sốt, ho, sổ mũi...). Ngoài ra, virus có thể gây bệnh mà biểu hiện ở cơ quan khác như rối loạn tiêu hóa, tổn thương da, thần kinh...Một số ít trường hợp có thể làm liệt dây thần kinh số 7, gây mất cảm giác, vận động của mặt bên liệt, sưng mặt, méo miệng...
Khi thấy trẻ có biểu hiện như cười méo miệng, một bên mắt nhắm không khít…thì nên đưa bé đến cơ sở y tế khám, để bác sĩ đưa ra chẩn đoán hợp lý và điều trị đúng theo tác nhân gây bệnh. Gia đình không nên tự điều trị cho trẻ ở nhà hoặc dùng những phương pháp dân gian để tránh những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Để phòng bệnh, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ khi ở nhà cũng như khi đưa đi học khi thời tiết lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột. Đặc biệt, khi cho trẻ chơi ngoài trời nên chọn nơi ấm áp, hạn chế nơi có gió lùa. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức khỏe.
Bình luận (0)