Em ngại đến chỗ đông người, đặc biệt là ở nơi toàn người lạ. Bạn bè em đứa nào cũng “bể tiếng” và giọng rất nam tính, chẳng đứa nào giống em. Em phải làm thế nào để có được giọng nam. (Hải Anh – Hà Nội)
Một bệnh nhân đang được luyện giọng nói tại BV Tai Mũi Họng TPHCM. Ảnh: Pháp Luật TPHCM
Trả lời:
Hải Anh thân mến!
Em không nên lo lắng quá về giọng của mình. Có thể em bị rối loạn vỡ giọng tuổi dậy thì. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, khá phổ biến, là khoảng thời gian để chuyển từ giọng trẻ con sang giọng người lớn, xảy ra ở cả em trai và em gái tuổi dậy thì.
Ở các cậu bé, thanh quản phát triển nhanh và rầm rộ nên đổi giọng đột ngột, dễ nhận ra. Dây thanh quản phát triển theo trục thẳng đứng, dài thêm 10 mm, dày lên theo bề ngang và nhô ra phía trước tạo thành "quả táo Adam" và khiến cho giọng trầm xuống, ồm ồm.
Sự thay đổi về giọng thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, thường là 3 đến 6 tháng; nếu kéo dài hơn có thể là do rối loạn, có nguy cơ trở thành bệnh lý, gọi là bệnh vỡ giọng kéo dài, nói giọng con gái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do hooc-môn hay do vấn đề về mặt tâm lý.
Bệnh vỡ giọng kéo dài càng chữa sớm càng dễ phục hồi, nếu kiên trì và tiếp thu nhanh thì chỉ 7-10 ngày là khỏi.
Em nên tiếp tục theo dõi sự biến đổi giọng nói của mình; nếu tình trạng đó vẫn tiếp diễn, em có thể đến khám tại khoa thanh thính học bệnh viện chuyên khoa Tai Mũi Họng để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)