Không ít nạn nhân khổ hết sức vì bụng đói cồn cào nhưng mới ăn ít miếng thì no ngang rồi sau đó nuốt không vô vì căng bụng tưng tức làm sao. Đã vậy, chỉ khỏe sau khi ợ nghe cái ót hay éo le hơn nữa, khi lượng hơi trong bụng không thăng mà giáng ra ngoài khiến gia chủ nhiều khi bẽ mặt vì là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường dù ngoài ý muốn!
Đáng tiếc vì nhiều nạn nhân chưa được thông tin về một số biện pháp tương đối dễ thực hiện. Ví dụ:
- Uống từng ngụm và thật chậm ly lớn nước ấm có vài lát gừng tươi trước bữa ăn khoảng 15 phút, theo kinh nghiệm của thầy thuốc y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda.
- Dùng trà với 4 món hồi, quế, thảo quả, đinh hương sau mỗi bữa ăn theo kinh nghiệm của các tu sĩ vùng Trung Âu. Chỉ kẹt ở chỗ nếu áp dụng thì cần kiên nhẫn theo đuổi tối thiểu 2 tuần.
- Uống mỗi tối một ly nước atisô với chút mật ong theo quan điểm của y học dân gian Bắc Âu.
Dân gian vùng Đông Âu chấm điểm cao nhất cho món rượu thuốc gồm rượu vang trắng ngâm ít cọng thì là. Món này có thêm lợi điểm là rất “bắt mồi” nếu dùng với các món cá.
Tu sĩ Sebastian Kneipp nổi tiếng ở châu Âu như “ông thầy nước nóng, nước lạnh” thường áp dụng phương pháp cho người bệnh uống ly nước khoáng lạnh buổi sáng sớm lúc bụng còn đói rồi sau đó cho bệnh nhân nằm ngửa 5 phút, xoay sang trái 5 phút, nằm sấp 5 phút và cuối cùng xoay sang phải 5 phút, nghĩa là lăn gần trọn vòng. Cần phải theo đúng trình tự như thế để mượn tư thế xoay chiều mà điều chỉnh nhu động của dạ dày.
Thầy thuốc Trung Y dựa vào nhịp sinh học khuyên người đầy hơi nên uống vào khoảng 7 giờ sáng, giờ vận hành của kinh đại trường, tách trà có cúc hoa và cam thảo.
Hỗ trợ chức năng giải độc cho lá gan bằng cách chườm hay đắp nóng vùng bẹ sườn bên phải khoảng 30 phút vào buổi tối, tốt nhất trong khoảng 19-21 giờ vì đó là thời điểm hoạt động cực tiểu của lá gan.
Đường ruột có điểm tương đồng với ruột xe. Trong ruột phải có hơi. Nhưng căng quá cũng không xong vì hơi ứ trong ruột là đòn bẩy dẫn đến nhiều bệnh chứng nhiêu khê, từ táo bón bước qua dị ứng cho đến tăng mỡ máu. Tuy không thiếu thuốc tác động theo kiểu hút hơi trong đường tiêu hóa nhưng không lẽ vì thế mà đành uống thuốc cầm canh? Tất nhiên, phải dùng thuốc khi kẹt xe nhưng khéo hơn nhiều nếu đừng quên sau đó tìm cách phối hợp thật sớm các liệu pháp sinh học để cải thiện chức năng tiêu hóa. Tránh kẹt xe không có nghĩa là thoát được lúc nào hay lúc nấy.
Bình luận (0)