Tôi có hai con năm nay 2 và 5 tuổi. Hiện tôi đang sống ở TP HCM nên dù thời tiết trở lạnh mấy cháu cũng chỉ ho, sổ mũi vặt. Thế nhưng, cuối năm nay, tôi dự định đưa các cháu về quê ở miền Bắc chơi, thăm mấy người bà con xa, đúng vào đợt lạnh.
Từ nhỏ đến giờ các cháu chưa ra Bắc vì ông bà nội ngoại đã vào Nam cả nên tôi khá lo việc các cháu không quen thời tiết. Thấy bà nội mua áo ấm cho cháu, dặn cẩn thận vì ngoài ấy thời của bà sợ nhất là con nít bị lạnh mà sưng phổi, tôi càng hoảng. Chứng sưng phổi phải chăng chỉ do trời lạnh và có cách gì để phòng tránh nó?
(Trần Thị Mỹ Trinh, 37 tuổi, quận 5, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM):
Viêm phổi hay sưng phổi theo cách nói dân gian quả thật khá nguy hiểm với trẻ em, cần đề phòng trong thời tiết lạnh như hiện nay, đặc biệt khi bạn sống ở địa phương có thời tiết lạnh hoặc di chuyển đến nơi có thời tiết lạnh.
Tuy nhiên, tôi xin khẳng định viêm phổi không phải do trời lạnh, mà trời lạnh chỉ là yếu tố thuận lợi cho các siêu vi và vi khuẩn gây viêm phổi dễ tấn công em bé. Bị nhiễm lạnh, hệ miễn dịch của bé sẽ suy yếu.
Thông thường, các siêu vi, vi khuẩn sẽ tấn công đường hô hấp trên của trẻ trước, làm trẻ viêm mũi, viêm họng. Nếu không may, chúng sẽ di chuyển xuống phía dưới đường hô hấp, gây viêm phế quản, thanh quản, không may nữa là đi xuống tận phổi, gây viêm phổi.
Để đề phòng, tốt nhất chị nên theo dõi sát khi con mình bị viêm mũi, họng thông thường, vì đa số các bé viêm đường hô hấp trên được bác sĩ yêu cầu theo dõi tại nhà. Biểu hiện rõ ràng nhất của việc diễn tiến sang viêm phổi là bên cạnh hiện tượng sốt, ho, trẻ còn thở nhanh: trên 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng, trên 50 lần/phút với trẻ 2-12 tháng, trên 40 lần/phút với trẻ 12 tháng – 5 tuổi, trên 30 lần/ phút với trẻ trên 5 tuổi. Khi đó, hay đưa bé đi gặp bác sĩ ngay.
Trẻ viêm phổi phát hiện sớm có thể chỉ cần điều trị tại nhà, uống kháng sinh theo toa và theo dõi bởi cha mẹ. Một số trẻ thở quá nhanh hay kèm các dấu hiệu nguy hiểm sẽ được yêu cầu nhập viện.
Bên cạnh đó, nếu đang ở nhà mà trẻ có một trong các dấu hiệu sau: thở mệt, rút lõm ngực, tím tái, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, thở quá nhanh (trên 70 lần/phút)…, nên đưa bé đi cấp cứu.
Bình luận (0)