Như Báo NLĐ đã thông tin, từ ca bệnh đầu tiên dương tính với phẩy khuẩn tả phát hiện vào ngày 9-5, đến nay tỉnh Bến Tre đã có ít nhất 26 người được khẳng định mắc bệnh tả và hàng trăm ca tiêu chảy đang điều trị tại các bệnh viện. Cuối tháng 5-2010, khi số ca bệnh mới là 14 thì tỉnh Bến Tre đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế công bố dịch.
Một bệnh nhân bị dịch tả tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: MINH SƠN
Dịch mà không... dịch!
Đến khi số ca bệnh ở Bến Tre lên đến 26 thì ông Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho báo chí biết cục này đã nhận được văn bản đề nghị công bố dịch tả của tỉnh Bến Tre nhưng chưa công bố được vì việc công bố dịch bệnh không chỉ phụ thuộc vào số lượng ca mắc mà còn nhiều yếu tố khác...
Vấn đề được ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói rõ hơn trên báo chí là chỉ “thông báo xuất hiện các ổ dịch tả tản phát tại Bến Tre” chứ không công bố dịch là “do theo dự thảo nghị định hướng dẫn công bố dịch đang trình Chính phủ, điều kiện công bố dịch là khi số ca mắc vượt quá khả năng phòng chống, số tử vong nhiều không dự báo được...”. Không phải là dịch thì tại sao Bộ Y tế “thông báo xuất hiện các ổ dịch tả tản phát tại Bến Tre”? Hay có phải vì các ổ dịch tả tản phát không phải là dịch? Và dĩ nhiên, một khi chưa công bố dịch thì việc ứng phó với dịch cũng ì ạch.
Đã đủ điều kiện công bố dịch tả
Theo dự thảo quyết định về việc quy định “điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm” do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, việc công bố dịch chỉ được thực hiện khi có người mắc bệnh truyền nhiễm và có ít nhất một trong 5 yếu tố nguy cơ, gồm: Quy mô, tính chất của bệnh dịch có xu hướng phát triển vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế địa phương; bệnh dịch đó được Bộ Y tế công bố là có sự biến đổi tác nhân gây bệnh có nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; chưa xác định được tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả và có tỉ lệ tử vong cao; tác nhân gây bệnh thuộc loại mới phát hiện tại VN, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả và có tỉ lệ tử vong cao; bệnh dịch xảy ra trong thời điểm thiên tai, thảm họa làm hạn chế khả năng chống dịch và tăng khả năng lây truyền bệnh dịch.
Tại quy trình xử lý dịch tả do Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn ký ngày 3-11-2007 (ban hành kèm Quyết định số 4233/QĐ-BYT, ngày 3-11-2007 của bộ trưởng Bộ Y tế), việc xác định một vụ dịch tả được nêu ngắn gọn, dễ hiểu: “Khi có ít nhất một ca bệnh tả được xác định”. Còn trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì định nghĩa rõ: “Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định”. Luật cũng định nghĩa rõ bệnh tả cùng với cúm A/H5N1, dịch hạch... thuộc các bệnh truyền nhiễm nhóm A, là nhóm mà về nguyên tắc công bố dịch thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch.
Nói như thế để thấy, dù nước ta chưa có quy định cụ thể nào về điều kiện công bố dịch nhưng Bộ Y tế cũng có thừa căn cứ để kết luận bệnh tả tại tỉnh Bến Tre đang là dịch hay không và bao giờ thì công bố. Việc không công bố dịch theo đề nghị của tỉnh Bến Tre, vì vậy rất khó hiểu!
Bình luận (0)