Bé N.H.A.T (10 tuổi) bị ngã cầu thang gãy tay trái từ năm 3 tuổi, đã được gia đình đưa đến bệnh viện (BV) bó bột. Tuy nhiên, mẹ T. thấy càng lớn thì cánh tay gãy năm nào của con dù đã lành hẳn nhưng có dấu hiệu bị cong, còn gọi là “tay cán vá”. Lo lắng, chị đưa con lên TP HCM, tìm đến một BV nhi khoa và được bác sĩ (BS) cho biết chấn thương năm nào không chỉ làm gãy tay mà còn tác động đến sụn tiếp hợp, khiến quá trình phát triển của tay đó không đồng đều. Muốn “đẹp” trở lại, bé cần được phẫu thuật.
Nên khắc phục khi trẻ đủ lớn
BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết ông từng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân từ nhiều tỉnh khác nhau lặn lội đến BV tuyến trên để nhờ khắc phục những tổn thương cơ xương khớp chưa lành hẳn sau lần phẫu thuật ban đầu tại địa phương. Đó là những ca xương gãy đã lành nhưng vẫn còn di lệch, bị cứng khớp sau chấn thương, khớp bị trật đi trật lại nhiều lần, tay cán vá do chấn thương có tổn thương sụn tiếp hợp (sụn tăng trưởng)…
“Đáng lưu ý nhất là những trường hợp đã được nắn chỉnh, băng bó nhưng vẫn còn di lệch, bị chồng ngắn khiến xương lành ở một tư thế không chức năng, làm việc vận động trở nên khó khăn. Nếu phần xương bị gãy nằm ở những nơi có cơ khỏe như xương đùi thì việc phẫu thuật khắc phục càng khó, nhất là tổn thương đã lâu. Nhiều trường hợp cơ đã bị co rút lại. Bị chồng ngắn khiến chân ngắn, chân dài; lâu ngày còn khiến bệnh nhân bị lệch hông, vẹo cột sống…” - BS Ánh cho biết.
Nhiều bệnh nhân sau một lần trật khớp đã được nắn chỉnh đúng nhưng vẫn dễ dàng bị trật lại. Theo BS Ánh, tình trạng này có thể gặp ở một số khớp nông như khớp vai, dẫn đến tình trạng “trật khớp vai tái hồi”. Nguyên nhân có thể do lần chấn thương trước, phần sụn viền cũng bị ảnh hưởng, bong ra, dây chằng bị giãn… mà không được phát hiện bởi trật khớp vai có khi giải quyết bằng phẫu thuật, có khi chỉ cần điều trị bảo tồn bằng cách cố định.
“Trật khớp vai tái hồi thường được giải quyết bằng phẫu thuật. Còn chấn thương gãy xương nếu bị lặp lại thì có thể do tình trạng “khớp giả” khiến xương không liền lạc như cũ và cũng cần được phẫu thuật” - BS Ánh nói.
Trái lại, “tay cán vá” thường không do sai sót trong xử lý ban đầu mà là vì chấn thương ở vùng khuỷu ở trẻ em đã làm ảnh hưởng đến sụn tiếp hợp một bên xương khiến vùng này không phát triển đồng đều. Hiện tượng này hay gặp ở những chấn thương vùng đầu gối, cổ chân, cổ tay…
“Sụn tiếp hợp bị tổn thương sẽ dính, không phát triển ở bên xương đó làm xương bị lệch. Trẻ nên được khắc phục khi đã tương đối lớn, vì nếu làm khi nhỏ quá thì khi cơ thể trẻ phát triển thêm, xương lại lệch tiếp. Việc khắc phục bao gồm theo dõi, nắn chỉnh, can thiệp phẫu thuật khi cần thiết…” - BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, khuyến cáo.
Vận động khó khăn: Coi chừng
Theo BS Ánh, bệnh nhân có thể tự phát hiện những vết thương đã lành mà vẫn “có vấn đề”: Nếu thấy vùng chấn thương lành nhưng còn lệch, vẹo, tạo nên một dáng xấu không giống lúc trước, cử động khó khăn, yếu liệt, đau nhức không rõ nguyên nhân… thì cần tìm đến BS ngay. Ở trẻ em, tùy từng trường hợp có thể xử lý sớm hoặc đợi vài năm cho lớn thêm, mọi thứ ổn định hơn. Với người lớn, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt vì nếu trễ thì sẽ rất khó khăn khi cơ bị co rút lại hoặc có thể để lại di chứng khó phục hồi.
BS Thu lưu ý đừng nên tự ý kéo, nắn khi té ngã và cảm thấy có gì đó bị “trật ra”. BS Thu cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, bị ngã gãy chân nhưng ban đầu phần xương vẫn còn nằm nguyên vị trí. Thấy di chuyển vướng víu, bệnh nhân này nhờ người nhà kéo, nắn lại, hậu quả xương gãy rời hẳn ra.
Theo BS Thu, cần lưu ý những vết thương khi đã được cố định thì nên tuân theo chỉ định của BS về việc nghỉ ngơi, tập đi lại đúng cách… Thường thì sau gãy xương 4 tuần, xương bắt đầu có “can” tốt, tức bắt đầu có sự gắn kết ban đầu. Với trẻ em thì khoảng vài tháng sau là lành hẳn, người lớn thường lâu hơn. Nếu xương to như xương đùi thì có thể cần 1 năm để lành hẳn. Nhiều người sau mốc 4 tuần ấy thấy chân tay bắt đầu cứng cáp lại, vội vận động mạnh khiến xương bị chấn thương lần thứ 2. Khi đó, việc phẫu thuật sẽ phức tạp hơn, thời gian phục hồi cũng lâu hơn.
Cẩn trọng với thuốc không rõ nguồn gốc Nhiều BS chuyên khoa cho biết các BV chỉnh hình thường tiếp nhận những ca nhiễm trùng do chấn thương gãy xương, trật khớp được bó bằng các loại thuốc dân gian mà chính người được bó cũng… không biết là gì. Thuốc ấy thường do người dân tự tìm theo kinh nghiệm truyền miệng. “Vết thương tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, phần xương khớp lại không được nắn chỉnh, cố định đúng nên không thể lành mà còn bị nhiễm trùng, thậm chí có trường hợp phải cắt bỏ” - BS Đỗ Trọng Ánh cảnh báo. |
Bình luận (0)