BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM, cho rằng thực tế việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng là hậu quả của dịch Covid-19. Các bệnh viện cân đối giảm lượng thuốc, vật tư y tế tiêu hao dự trữ, không đặt hàng nhiều để phù hợp với tình hình thực tế, không gây lãng phí. Lúc dịch được kiểm soát, lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tăng đột biến nên lượng thuốc, vật tư tiêu hao dự trữ không đủ đáp ứng.
Do cơ chế, không phải do nguồn cung
BS Nguyễn Minh Tiến cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến tình huống bệnh viện làm công tác đấu thầu chỉ định và có thể xảy ra trường hợp không công bằng, minh bạch dẫn đến vi phạm pháp luật. Các bệnh viện lo lắng sẽ xảy ra vấn đề này nên vô tình gây ra việc thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, để giải quyết, có thể tính đến phương án đấu thầu tập trung, quy về một mối để hạn chế rủi ro cho các bệnh viện. Cụ thể, trưởng phòng, khoa của bệnh viện sẽ đề xuất số lượng thuốc, vật tư dự trù cần lên hội đồng chuyên môn xem xét, rà soát lại, đánh giá và gửi báo cáo số lượng lên Sở Y tế TP HCM. Sở chủ trì công tác đấu thầu, mỗi lãnh đạo bệnh viện sẽ tham gia vào ban kiểm duyệt để thực hiện đấu thầu. Việc này có thể được thực hiện mỗi 3 tháng, 6 tháng hoặc theo quý. Như vậy, các bệnh viện sẽ có được giá tốt nhất, đồng bộ, quản lý được lượng thuốc tồn kho.
Một PGS-TS-BS đang công tác tại bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM cho biết tại các đơn vị tư nhân không thiếu thuốc, vật tư y tế mà chủ yếu tập trung tại cơ sở công lập. Thiếu do cơ chế chứ không phải do nguồn cung. Tại khu vực tư nhân không bị siết bởi thủ tục và cơ chế nên có đầy đủ những thứ tốt nhất họ muốn. "Tại đơn vị tôi công tác, ngay cả dây hút đàm, các dụng cụ phẫu thuật đơn giản cũng thiếu, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến chuyện này. Khi chúng tôi thắc mắc thì được giải thích do cơ chế đấu thầu, bên cạnh đó, giá rẻ nên đơn vị thầu không bỏ thầu. Đây được xem là hậu quả của việc đấu thầu tập trung trước đây" - vị PGS chia sẻ.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM nhiều cơ sở y tế chống dịch nhờ vào một phần trang thiết bị được tài trợ nếu không sẽ khó khăn Ảnh: HẢI YẾN
Cũng theo PGS này, mỗi một mặt bệnh, độ tuổi, con người là các dụng cụ khác nhau. Vì vậy, nếu đấu thầu tập trung mà không có chuyên môn thì rất khó. Tuy nhiên, trước đây, đấu thầu tập trung lại do những người không có chuyên môn thực hiện. Các dụng cụ không biết sử dụng ra sao, áp dụng vào bệnh gì sẽ rất khó thực hiện. Chính vì không hiệu quả nên trả lại để các bệnh viện tự đấu thầu, đến bây giờ ngành y tế thành phố tái hoạt động. Giải pháp trên chỉ giải quyết phần ngọn chứ chưa thực sự giải quyết được phần gốc của vấn đề.
Phân tích thêm, PGS trên cho biết trước khi thực hiện đấu thầu, đơn vị thầu phải nộp hồ sơ chứng minh đạt chất lượng. Sau đó, nơi nào bỏ thầu rẻ thì nơi đó trúng. Tuy nhiên, chất lượng hay không cần phải coi lại. Bởi vẫn có tình trạng đồ không tốt không đạt chất lượng vẫn có thể làm được giấy đạt chất lượng, muốn theo tiêu chuẩn nào có tiêu chuẩn đó. Nếu hàng tốt được xác nhận cấp quốc tế nhưng hàng dỏm cũng chạy được tờ giấy để xác nhận hàng tốt. Do đó, nếu vừa có giấy xác nhận đạt chất lượng vừa rẻ thì sẽ trúng.
"Chuyện đấu thầu không minh bạch, rõ ràng ngay từ khâu cấp giấy nên sẽ có những sai sót ở công đoạn sau" - vị PGS nhấn mạnh.
Tăng quyền tự chủ cho bệnh viện
PGS chia sẻ thêm hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều làm như vậy, chỉ có Việt Nam là đưa bác sĩ chuyên môn vào đấu thầu. Ở nước ngoài, họ tách bạch hệ thống quản trị và chuyên môn. Hệ thống quản trị sẽ đảm nhận việc phát triển bệnh viện từ đấu thầu, phục vụ bệnh nhân, quá trình vận hành bệnh viện để bệnh nhân được lợi, chuyên môn được phát triển tốt. Những người ở bộ phận quản trị phải là học về kinh tế y tế, quản trị. Còn bộ phận chuyên môn sẽ cố vấn, nếu có trách nhiệm về chuyên môn thì hội đồng sẽ xử lý, giải quyết.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu TP HCM, nhận định còn nhiều bất cập trong việc đấu thầu nên cán bộ khi làm rất sợ sai, dẫn đến việc thiếu thuốc. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng tính tự chủ cho bệnh viện. Ngoài công tác đấu thầu, bệnh viện có thể đấu giá công khai không vượt mức giá trần mà cơ quan quản lý ngành đưa ra. Hiện nay, trong quy định đấu thầu phải lấy giá thấp nhất. Tuy nhiên, giá rẻ chưa chắc chất lượng bảo đảm. Nên trao quyền cho bệnh viện để lựa chọn loại thuốc tốt cho bệnh nhân với giá hợp lý.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng đây cũng là thời điểm vàng để có quy định riêng về liên doanh, liên kết vì đã có nhiều kinh nghiệm trong sai sót và đã sửa đổi. "Nếu bây giờ không quy định rõ liên doanh, liên kết thì bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Nguồn lực xã hội hóa là nguồn lực rất lớn, nếu có quy định rõ về liên doanh, liên kết ngành y tế, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ sở khám chữa bệnh" - BS Thức nhận định.
Lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm
Bộ Y tế vừa yêu cầu các đơn vị có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Cục Quản lý dược trong hôm nay (22-6). Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng; không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và tại các đơn vị; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải bảo đảm việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.
Theo một lãnh đạo Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi không phải là các loại biệt dược gốc nằm trong kế hoạch đấu thầu quốc gia mà chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị. "Với thẩm quyền của mình, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh, cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Bộ Y tế nhấn mạnh lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân" - lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ.
Công khai giá thiết bị y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết để tháo gỡ một phần khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố Danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30-6 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31-12-2022; cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách. Hiện có khoảng 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các đơn vị tra cứu, làm cơ sở mua bán trang thiết bị y tế theo quy định.
BHXH Việt Nam: Không để người bệnh bỏ tiền túi!
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-6, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết qua theo dõi và phản ánh của người bệnh cho thấy đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số bệnh viện, nhất là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc được hưởng của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng đây là vấn đề rất lớn, ngoài kiểm soát của cơ quan BHXH. Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp có chỉ đạo tháo gỡ, đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an Nhân dân phối hợp sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tổ chức triển khai thực hiện ngay một số nội dung khắc phục nhanh chóng tình trạng này để người bệnh không phải mua.
Cũng theo ông Phúc, tại Nghị định 146 hướng dẫn Luật BHYT cũng nói rõ trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh là phải cung ứng đầy đủ, thuốc, vật tư và hóa chất để phục vụ người bệnh. Nhưng cơ sở khám chữa bệnh lại phụ thuộc vào kết quả đấu thầu tập trung của sở y tế và của Bộ Y tế. Vì vậy, bản thân cơ sở khám chữa bệnh cũng không chủ động được thuốc, vật tư và khi hết thầu chưa có kết quả của đấu thầu mới thì rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị. Với việc người bệnh có BHYT phải tự bỏ tiền mua thuốc bên ngoài liệu có được quỹ BHYT hoàn trả, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng hiện nay không có quy định về thanh toán trực tiếp với người bệnh, bệnh viện vẫn phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Phúc cũng lưu ý, người bệnh đi mua thuốc, vật tư bên ngoài có thể giữ hóa đơn lại, chắc chắn cơ sở y tế sẽ có hướng xử lý bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân, không để người bệnh BHYT phải tự bỏ tiền túi mua thuốc trong danh mục BHYT chi trả như hiện nay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-6
Bình luận (0)