Tại cuộc họp báo toàn cầu tối 29-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vào ngày 1-4, ông sẽ tham gia lễ khánh thành Bảo tàng Carlo Urbani, được xây dựng ở quê hương Castelplanio - Ý của bác sĩ Urbani.
Cuộc họp báo về dịch tễ hàng tuần của WHO cũng được tổ chức đúng vào mốc 20 năm kể từ ngày bác sĩ Urbani hy sinh.
Bác sĩ Carlo Urbani khi đang làm việc tại Việt Nam - Ảnh: WHO
Theo thông cáo báo chí mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 30-3, bác sĩ Urbani nguyên là Giám đốc truyền nhiễm của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, làm việc tại Việt Nam.
Vào cuối tháng 2 - 2003, ông đã hiện diện tại Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) khi các đồng nghiệp Việt Nam thông báo về "ca bệnh cúm nặng" kỳ lạ, được ghi nhận ở một doanh nhân Hồng Kông - Trung Quốc vừa nhập cảnh.
Bác sĩ Urbani đã nhanh chóng nhận ra đó không phải một ca cúm mà là một bệnh mới. Sau khi kiểm tra bệnh nhân, ông tiếp tục dành thời gian tại bệnh viện để điều phối các quy trình kiểm soát và phòng chống nhiễm trùng, can thiệp kiểm dịch và duy trì tinh thần của nhân viên bệnh viện.
Ông đã đến nhiều vùng nông thôn nghèo của Việt Nam khi ấy để nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm - Ảnh: WHO
Trước đó một dịch "cúm lạ" đã được ghi nhận ở Trung Quốc, tuy nhiên chưa từng được nhận biết là một bệnh mới. Chính bác sĩ Urbani là người có công đầu trong việc xác định sự hiện diện của SARS - được đặt tên vài tuần sau đó.
"Những hành động nhanh chóng của bác sĩ Urbani đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngăn chặn dịch bệnh bằng cách kích hoạt phản ứng toàn cầu, chìa khóa để ngăn chặn dịch bệnh bệnh bùng phát ở Việt Nam và cứu sống vô số người trên khắp thế giới" - tiến sĩ Tedros cho biết.
Bác sĩ Urbani khám bệnh cho trẻ em nghèo trong một chuyến công tác - Ảnh: WHO
Sau những ngày làm việc tại Việt Nam, vào khoảng trung tuần tháng 3, bác sĩ Urbani đã xuất hiện các triệu chứng SARS khi đang bay đến Bangkok - Thái Lan. Ông nhập viện cách ly tại Bangkok và qua đời gần 3 tuần sau đó ở tuổi 46, bỏ lại vợ và 3 con nhỏ.
Trong đợt dịch SARS 2003, Việt Nam ghi nhận 63 ca mắc và đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế được căn bệnh này (cuối tháng 4-2003, sau hơn 2 tuần không nghi nhận ca mới) nhờ vào việc dịch bệnh được phát hiện, khoanh vùng sớm cùng nhiều biện pháp đồng bộ khác phối hợp giữa WHO và chính phủ Việt Nam.
Ngoài bác sĩ Urbani và bệnh nhân nhập cảnh từ Trung Quốc, đã có tới 6 bác sĩ, y tá đang công tác tại Bệnh viện Việt Pháp qua đời trong đợt bùng phát này, bao gồm 4 người Việt Nam và 2 người Pháp.
Bình luận (0)