Có nhiều bệnh lý mắt khiến các bác sĩ chuyên khoa buộc lòng chỉ định bỏ mắt như chấn thương vỏ nhãn cầu (tránh nguy cơ lây mù mắt còn lại), ung thư mắt (để bảo toàn tính mạng cho người bệnh), bệnh tăng nhãn áp ở giai đoạn cuối hoặc viêm màng bồ đào dai dẳng mất thị lực (để cắt những cơn đau nhức không chịu nổi)... Vì nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu giao tiếp nên hầu hết những người bị hủy mắt đều yêu cầu lắp mắt giả và mong muốn mắt giả sống động như thật, nghĩa là mắt có thể chuyển động được.
Để có mắt giả được như mong muốn của bệnh nhân thì sau khi bỏ nhãn cầu phải có vật liệu độn thay thế nhãn cầu đã bỏ. “Nhãn cầu nhân tạo” này sẽ kéo miếng mắt giả phía trước nhúc nhích theo. Trước đây, người ta thường dùng bi tròn chế tạo từ các chất trơ như acrylic, silicon,... để nhét vào vỏ nhãn cầu sau khi múc bỏ nội nhãn. Phương pháp này làm bệnh nhân đau nhiều sau mổ, thời gian hồi phục lâu và đặc biệt vẫn có nguy cơ nhãn viêm giao cảm (gây mù mắt còn lại). Nhằm khắc phục những hạn chế của phương pháp này, vừa qua, phòng mắt giả Bệnh viện Mắt TPHCM đã chế tạo được loại bi mắt làm từ chất liệu acrylic. Loại bi này có 4 rãnh và 4 lỗ để khâu cố định các cơ ngoại nhãn sau khi cắt bỏ nhãn cầu. Được mô phỏng theo thiết kế của bi ngoại, tuy nhiên giá thành 1 bi chỉ còn 800.000 đồng so với bi chính gốc giá 5-6 triệu đồng. Đến nay, Khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa đã lắp bi này cho 10 bệnh nhân và kết quả rất khả quan. Sau khi lắp mắt giả, người bệnh rất hài lòng vì mắt giả cứ như mắt thật nếu không nói ra thì khó ai biết. Tuy nhiên, loại bi này còn đang trong quá trình nghiên cứu. Sắp tới nếu được Hội đồng Khoa học bệnh viện nghiệm thu, Khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa sẽ áp dụng đại trà.
Bình luận (0)