Bệnh nhân V.N.T, 32 tuổi, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh vì đã bị tai nạn giao thông trước đó 23 ngày. Khi tới bệnh viện, anh có các triệu chứng: sưng nề nhiều vùng phía ngoài khớp gối, không duỗi được các ngón, không gập được cổ chân và không xoay bàn chân ra ngoài được nên gây ra bàn chân rớt, triệu chứng của liệt dây thần kinh mác chung là thần kinh chi phối các vùng bị liệt trên.
Quá trình điều trị
Mặc dù trên phim chụp X-quang không thấy gãy xương vùng quanh khớp gối nhưng kết quả đo hoạt động điện của cơ phát hiện có tổn thương sợi trục thần kinh mác chung, ngay tại chỏm xương mác, phía bên ngoài của khớp gối. Đây là bệnh chấn thương vùng quanh gối làm chèn ép thần kinh gây liệt chi và có nguy cơ liệt chi không phục hồi.
Bệnh viện tiến hành phẫu thuật khảo sát và giải phóng chèn ép thần kinh. Trong quá trình mổ, chúng tôi nhận thấy xung quanh dây thần kinh mác chung mô mềm xơ dính rất nhiều nên dây thần kinh bị chèn ép gây liệt. Phần mềm xơ dính rất nhiều như vậy là hậu quả của chấn thương đụng dập và quá trình tái tạo lại phần mềm sau chấn thương. Chúng tôi phải bóc tách cả đoạn dây thần kinh khỏi phần mềm bị xơ dính trong thời gian rất dài và phải bóc tách cả vỏ bao ngoài dây thần kinh. Sau phẫu thuật, chúng tôi dùng nẹp bất động và dùng thuốc hỗ trợ dẫn truyền thần kinh.
Ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân đã cảm thấy bàn chân nhẹ và giảm đau nhức hơn, dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi chức năng thần kinh. Vài ngày sau đó, các ngón chân bắt đầu có chuyển động duỗi nhẹ một ít, bàn chân xoay ngoài nhẹ, cổ chân cũng gập được. Đơn vị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng của bệnh viện đã tích cực tiến hành tập vận động cho bệnh nhân. Các dấu hiệu hồi phục xuất hiện ngày càng rõ nét. Sau 2 tuần, bệnh nhân đã có thể đi lại được. Dự kiến trong một thời gian ngắn, bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Nguy cơ tổn thương thần kinh sau chấn thương
Tổn thương thần kinh tứ chi thường gặp trong tai nạn lao động, tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt. Tùy theo tình huống xảy ra tai nạn mà có nhiều kiểu tổn thương thần kinh như: Vết cắt sắc ngọt (dao, vật sắc bén gây ra trong tai nạn sinh hoạt); vết đứt có bầm dập do máy dập hay vật không sắc bén gây ra trong tai nạn lao động và tai nạn giao thông; vết thương bầm dập (chấn thương, tổn thương do xương gãy)... Đặc biệt, trong một số chấn thương gãy xương kín, gãy xương mà không có vết thương thông với bên ngoài, thần kinh vẫn có nguy cơ bị phần xương gãy lệch gây chèn ép hay bị đứt. Một số trường hợp khác, phần mềm bị chấn thương, sưng nề tụ máu hoặc tái tạo xơ dính trong quá trình lành vết thương cũng có thể chèn ép thần kinh. Các tổn thương này có thể gây liệt chi trầm trọng, làm bệnh nhân mất khả năng sinh hoạt và lao động.
Ngay khi bị các chấn thương tứ chi có nguy cơ tổn thương thần kinh, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên ngành thăm khám và xử lý kịp thời. Nếu có chỉ định thì bệnh nhân phải được phẫu thuật thám sát dây thần kinh sớm để giải phóng các chèn ép dây thần kinh.
Phẫu thuật sớm để nối dây thần kinh
Nếu thần kinh bị đứt hoặc tổn thương nặng thì phải được phẫu thuật nối lại ngay để mang lại chức năng sớm cho bệnh nhân. Các tổn thương này nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây liệt
vĩnh viễn.
Bình luận (0)