Tại hội nghị tìm giải pháp bình ổn thị trường xi măng vừa được tổ chức tại TPHCM, trước những kiến nghị tăng giá của nhiều doanh nghiệp (DN), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga đã trả lời dứt khoát không để giá xi măng tăng trong thời điểm hiện tại vì như vậy sẽ khiến tiến độ thi công các công trình trong cả nước thêm đình đốn. Liệu điều này có thực hiện được không khi trên thị trường giá đã bắt đầu rục rịch tăng?
Giảm lãi để ổn định giá
Tổng Công ty (TCT) Xi măng VN cho biết, việc tăng giá đầu vào của các nguyên liệu sản xuất xi măng trong quý I năm nay đã khiến chi phí sản xuất của TCT đội lên khoảng 25 tỉ đồng. Mặc dù TCT đã chỉ đạo sát sao các đơn vị thành viên phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí trong các khâu từ sản xuất đến lưu thông nhưng cũng chỉ giảm được 14 tỉ đồng, chưa bằng 50% so với mức tăng của chi phí sản xuất. Do đó lợi nhuận toàn TCT thời kỳ này chỉ đạt khoảng 103 tỉ đồng, bằng 15% kế hoạch năm và giảm 4 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu xi măng của cả nước năm nay khoảng 25,5 - 26 triệu tấn (tăng 10% - 12%) trong khi năng lực sản xuất trong nước đáp ứng được 23,7 triệu tấn. Như vậy nhu cầu xi măng sẽ thiếu hụt hơn 2 triệu tấn, cần nhập khẩu 4 triệu tấn clinker để bù lại. Riêng khu vực IV gồm TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ thiếu khoảng 800.000 tấn. Đáng lo ngại là nhu cầu xi măng tăng cao trong khi năng lực lại bị hạn chế. Dự báo nhu cầu này sẽ tăng mạnh trong quý II, khoảng 6,9 triệu tấn, tăng 29% so với quý I.
Thực hiện lệnh điều tiết nguyên liệu, sản phẩm
Tổng Giám đốc TCT Xi măng VN Nguyễn Văn Hạnh đã khẳng định không có chủ trương tăng giá bán sản phẩm mặc dù lợi nhuận có nguy cơ tiếp tục giảm. Hiện nay TCT Xi măng có 17 đơn vị thành viên hạch toán độc lập và tham gia vốn vào 3 công ty liên doanh lớn là Nghi Sơn, Chinfon và Holcim, chiếm hơn 50% công suất toàn ngành. Ông Nguyễn Thế Kham, Phó Tổng Giám đốc TCT Xi măng, cho biết tính đến hết ngày 15-4, lượng xi măng dự trữ của TCT vẫn đạt mức dự trữ thường xuyên khoảng 1,5 triệu tấn, cung cầu xi măng hiện nay vẫn chưa đáng lo ngại. Trước sức ép của thị trường, TCT đã chỉ đạo nhanh chóng triển khai chương trình cải tạo nâng 10% năng suất lò nung ở một số công ty góp phần tăng sản lượng clinker trong các tháng cuối năm. Đặc biệt trong công tác thị trường, các công ty phải luôn bám sát thị trường, thường xuyên kiểm tra hệ thống bán hàng để bảo đảm xi măng đến đúng địa bàn, bán đúng giá quy định. Bảo đảm việc dự trữ xi măng, clinker tại các địa bàn trọng điểm là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ để ứng phó kịp thời những biến động về nhu cầu xi măng. Yêu cầu các thành viên phải thực hiện nghiêm lệnh điều động clinker, xi măng của TCT để giữ ổn định thị trường khi có yêu cầu.
Đối với các DN khác, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Nguyễn Văn Thiện cho biết đã thuyết phục các DN không tăng giá bán sản phẩm cho tới tháng 6-2004. Sau thời điểm đó, nếu đầu vào tiếp tục tăng sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.
Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho ngành xi măng được giảm thuế nhập khẩu clinker.
Đề phòng sốt vì... vỏ bao
Theo TCT Xi măng, lúc này khách hàng có nhu cầu xi măng nên đến mua tại các đại lý lớn để có thể mua đủ số lượng và đúng giá cả. Không nên tập trung quá vào một nhãn hiệu vì qua cơn sốt xi măng gần đây ở các tỉnh phía Bắc cho thấy nguyên nhân chính là do người tiêu dùng chỉ đòi hỏi xi măng Hoàng Thạch (vì giá bán lại vỏ bao là 600 đồng/cái, cao nhất so với các nhãn hiệu khác), tạo ra sự khan hiếm giả tạo khiến các đại lý thừa cơ găm hàng đẩy giá lên cao và thị trường lên cơn sốt.
Bình luận (0)