Sự cố về chất tạo đục DEHP có trong thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người chưa kịp lắng xuống thì những ngày qua, dư luận lại xôn xao về sự hiện diện của phẩm màu E102 trong nhiều loại thực phẩm ở Việt Nam.
Sử dụng trong 26 loại thực phẩm
Thông tin về nhiều loại thực phẩm có chứa E102 gây hoang mang cho người tiêu dùng
Theo nhiều chuyên gia, vì chưa có lệnh cấm nên phẩm màu E102 vẫn được sử dụng trong 26 loại thực phẩm khác nhau ở Việt Nam như mì ăn liền, bánh kẹo, đồ uống có gas, snack, bắp rang, vịt quay…
Cần kiểm tra định kỳ
Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã khẳng định phẩm màu E102 nếu sử dụng ở hàm lượng cho phép thì không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Bằng chứng là nó đã được Ủy ban Hỗn hợp về phụ gia thực phẩm quốc tế FAO/WHO cũng như Ủy ban Khoa học châu Âu nghiên cứu từ nhiều năm trước và thống nhất quy định mức ăn vào hằng ngày chấp nhận được là ADI 0 - 7,5 mg/kg thể trọng/ngày. Tuy nhiên, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đang tiếp tục cập nhật trên cơ sở tư vấn của Ban Kỹ thuật phụ gia thực phẩm thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) Việt Nam và phân tích các tài liệu khoa học của thế giới đối với E102 để đưa ra các khuyến nghị kịp thời.
Cho rằng sử dụng phẩm màu tổng hợp nào cũng không tốt với sức khỏe con người, PGS - TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, đề nghị cần phải kiểm nghiệm ngay hàm lượng E102 trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là mì ăn liền. Ông Đáng cho rằng một trong những nguyên tắc của Codex là phải thường xuyên đánh giá liều dùng có nằm trong ngưỡng quy định hay không.
Theo PGS - TS Phạm Công Thành, Viện Công nghệ và Sinh học thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), ngay cả những phẩm màu được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng nếu lạm dụng hay dùng quá liều thì vẫn có thể gây hại cho người sử dụng. “Việc kiểm tra định kỳ và đánh giá lại hàm lượng trong sản phẩm là cần thiết” - ông Thành khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết năm 2010, Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 tỉ gói mì ăn liền. “Dù phẩm màu E102 vẫn nằm trong danh mục được phép sử dụng nhưng nếu đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên hết thì doanh nghiệp nên sử dụng một loại phẩm màu an toàn khác để thay thế” – ông Hùng đề nghị.
Dùng rồi mới biết không hợp PGS - TS Trần Đáng cho biết Quy định 89 về ghi nhãn sản phẩm buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của hàng hóa. Thế nhưng ở Việt Nam, việc cảnh báo về nguy cơ của một số thành phần đối với người sử dụng hầu như chưa được thực hiện. Thực tế, các sản phẩm có sử dụng phẩm màu E102 chỉ ghi chung chung là Tartrazine mà không ghi rõ hàm lượng đó trong sản phẩm là bao nhiêu. Vì vậy, những người có cơ địa dị ứng với chất này khi sử dụng sản phẩm rồi mới biết mình không hợp.
Bình luận (0)