Hơn 1 tuần trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên. Sau đó, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt. Các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng khiến bệnh nhân đau rát nhiều.
Bệnh nhân ngộ độc thuốc với tình trạng các vết loét trên da, thương tổn dát đỏ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Nữ bệnh nhân cho biết khoảng 1 tháng, bệnh nhân có uống thuốc đông y để nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được gần 3 tuần, bệnh nhân bắt đầu quá trình bệnh như trên.
Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 55 tuổi, nhập viện vì các dát thâm hoại tử và vết trợt da. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi, sau đó các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, bị hạ bạch cầu và tăng men gan kèm theo nhiều vùng da đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan tỏa.
Trước khi bị bệnh 2 tháng, người phụ nữ này có uống thuốc nam điều trị đau khớp, sau đó có uống thuốc nam (sắc thuốc uống), điều trị viêm dạ dày trong 3 tuần.
Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu. Sau 7 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.
Tiến sĩ- bác sĩ Trần Thị Huyền, Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết cả hai bệnh nhân được xác định tình trạng hoại tử thượng bì nhiễm độc xảy ra trong thời gian dùng thuốc với thời điểm khởi phát bệnh.
Đây là những phản ứng nặng, thường do thuốc, có biểu hiện ở da, niêm mạc, tuy ít gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, có thể tới 30%.
Phản ứng này thường xảy ra sau khi dùng thuốc từ 1-4 tuần, thậm chí là 6-8 tuần. Ở Việt Nam, các bệnh nhân thường dùng thuốc không kê đơn, dùng nhiều loại thuốc và dùng các thuốc đông y, dân gian không rõ thành phần làm cho việc xác định thuốc gây dị ứng gặp khó khăn.
Theo bác sĩ Huyền, tuy chưa có số liệu báo cáo nhưng việc trộn các thuốc tây y một cách có chủ ý vào các thuốc đông y hoặc thuốc dân gian có thể xảy ra. Tất cả các thuốc đều có thể gây dị ứng thuốc, kể cả thực phẩm chức năng hay các thuốc không cần kê đơn.
Bình luận (0)