Sáng 20-1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết sức khỏe của bé gái sơ sinh, con bà L.H.Â., tạm trú ở TP HCM, đã khá ổn định sau 2 ngày phẫu thuật loại bỏ khối bướu. Có thể bé sẽ được cai máy thở trong ngày.
Theo Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé gái sinh ngày 25-12-2016 vừa qua với một khối bướu to trên mặt. Khi được kiểm tra, các bác sĩ đánh giá khối bướu đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng cháu bé, buộc phải phẫu thuật sớm. Điều nguy hiểm là khối bướu trông có vẻ không quá to bên ngoài, nhưng đã lan vào sâu bên trong các tổ chức ở vùng đầu, mặt, đặc biệt phần bướu lan đến sàn sọ có thể nhanh chóng gây ra chèn ép thực quản và các mạch máu chính nuôi sống não bộ, dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Bướu trong cơ thể bé gái sơ sinh là loại bướu được gọi là “bướu quái”. Bướu quái có nhiều dạng, có những bướu mang hình dạng một thai nhi, vốn là một người anh chị em song sinh sống ký sinh vào cơ thể người còn lại, nhưng cũng có dạng như cháu bé này gặp phải: không có hình thù rõ ràng, chỉ lẫn lộn giữa mô đặc, dịch, xương, tóc. Tuy nhiên, bướu quái thường hay gặp ở vùng sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), vùng cùng cụt hay hiếm hơn là ở ngực. Bướu quái ở vùng cổ rất hiếm, bướu lan đến sàn sọ như bệnh nhi này lại càng hiếm gặp.
“Chúng tôi tìm trong y văn chỉ xác định được 1 trường hợp tương tự duy nhất tại Mỹ, công bố trên một tạp chí về phẫu thuật nhi năm 2004. Trường hợp đó, bướu đã được xác định qua chẩn đoán tiền sản và cháu bé được phẫu thuật ngay sau khi sinh” – bác sĩ Hiếu cho biết.
Bác sĩ Phan Minh Trí, khoa Ngoại tổng hợp, cho biết để loại bỏ bướu, 2 ê kíp phẫu thuật bao gồm ê kíp phẫu thuật vùng cổ và ê kíp phẫu thuật thần kinh đã phải thực hiện cùng một lúc, chia đôi khối bướu và lấy ra bằng 2 đường. Ban đầu, các bác sĩ dự tính sẽ phẫu thuật vùng cổ trước rồi mới đến phần sọ, nhưng do tính chất của bướu nên ê kíp phẫu thuật thần kinh buộc phải tham gia song song, hỗ trợ lẫn nhau. Bướu rất dính, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến các tổ chức khác của cơ thể nên quá trình lấy ra rất khó khăn. Chỉ một ảnh hưởng hết sức nhỏ vào thần kinh, mạch máu là có thể gây dị tật suốt đời hoặc khiến bệnh nhân tử vong ngay trên bàn mổ. Tuy nhiên, may mắn là mọi mối lo ngại đã không xảy ra.
Các bác sĩ cho biết, nếu cháu bé vẫn tiếp tục ổn định, hồi phục tốt như hiện nay thì sẽ không còn cần bất kỳ can thiệp y khoa nào về sau nữa. Trong ca mổ, các bác sĩ cũng đặt một phần xương sọ nhân tạo để thay thể phần xương bị bướu ăn mất. Về loại bướu này, có thể phát hiện qua chẩn đoán tiền sản nếu người mẹ được thăm khám thai đúng quy trình, ở những nơi có đầy đủ phương tiện, nhân lực. Thông thường, tình trạng đa ối ở thai phụ sẽ là dấu hiệu để các bác sĩ nghi ngờ và kiểm tra kỹ hơn. Ở cháu bé này, do bà mẹ trải qua hầu hết thai kỳ ở địa phương và cũng không khám thai đầy đủ nên đến khi sinh mới phát hiện. Thông thường nếu phát hiện sớm, các bác sĩ sẽ chuẩn bị mổ lấy thai và dự phòng tình huống suy hô hấp để bảo đảm an toàn cho cháu bé.
Bình luận (0)