Giữa tháng 4 vừa qua, Bệnh viện (BV) Tâm thần TPHCM tiếp nhận một bệnh nhân nam 45 tuổi ở Đồng Nai, phải vào viện vì “lên cơn” đánh đập vợ con dữ dội. Người vợ kể chồng chị trước đây vốn là người hiền lành, tháo vát, rất yêu chị, thậm chí chưa hề nói nặng với vợ một lời nào. Dạo gần đây, anh bỗng tỏ ra ghen tuông quá đáng, kể lể về những chuyện chỉ có trong tưởng tượng, đánh vợ, đánh con. Thì ra, anh nghiện rượu lâu năm và đã bị loạn thần do rượu dẫn đến hoang tưởng ghen tuông.
Quá sức, phát bệnh
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, lý giải: “Aldehyde trong rượu sẽ tích trong máu, đào thải không kịp sẽ thành độc tố tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn chuyển hóa các hóa chất trung gian thần kinh, từ đó tác động lên các tế bào thần kinh, làm tổn thương, hủy hoại chúng. Người bệnh sẽ bị biến đổi về nhân cách, cảm xúc, tư duy, hành vi, trí nhớ...”. Trung tâm vẫn thường xuyên tiếp nhận những ca giám định hình sự có liên quan đến rượu, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, cướp giật, hủy hoại tài sản…
“Các rối loạn tâm thần do rượu thường gặp là hoang tưởng, như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại, hoang tưởng theo dõi…; rối loạn cảm xúc khiến xúc cảm trở nên khô lạnh, cùn mòn, thờ ơ với mọi thứ; hưng cảm và làm những hành động quá trớn, thiếu kiềm chế; gặp cơn sảng rượu cấp nên lâm vào trạng thái rối loạn ý thức…” - BS Quang cho biết.
Tái phát vì không chịu cai rượu
BS Vương cho biết rất nhiều bệnh nhân loạn thần do rượu tại khoa nội trú đều ra vào bệnh viện nhiều lần vì cùng một nguyên nhân: chữa bệnh nhưng không chịu cai rượu. “Khi đã rối loạn tâm thần rồi phải tuyệt đối tránh xa rượu, khi được chữa đến nơi đến chốn cộng với cai rượu thì khả năng tái phát bệnh rất thấp. Ngược lại, dù có chạy chữa bao nhiêu thuốc men mà vẫn nghiện rượu thì không cách gì ngăn căn bệnh quay lại. Tại BV, vào dịp giáp Tết và sau Tết, bao giờ bệnh nhân loạn thần do rượu cũng tăng cao, cũng vì uống nhiều, uống quá sức và không chịu kiêng cữ dù đã có tiền sử bệnh”.
Theo BS Quang, sở dĩ nhiều người uống rượu nhưng chỉ có một số người mắc bệnh là do việc phát bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng người bệnh, khả năng dung nạp của cơ thể, trạng thái cảm xúc khi uống, sức đề kháng và chất lượng của rượu. Vì vậy, bệnh dễ gặp nhất ở những người uống không nổi nhưng cố uống và những người sử dụng rượu dỏm. “Rượu không được chưng cất đúng quy trình, không qua giai đoạn khử độc tố, nồng độ aldehyde quá cao thì đương nhiên dễ gây bệnh hơn gấp nhiều lần so với rượu được xử lý đúng cách. Không chỉ là loại rượu bình dân giá vài ngàn đồng/xị mà kể cả người sử dụng dòng rượu cao cấp cũng có thể rơi vào tình huống này nếu gặp phải hàng dỏm” - BS Quang nhấn mạnh.
BS Vương cũng cho biết qua khảo sát tại BV tâm thần, bệnh nhân loạn thần do rượu chủ yếu là những người lao động chân tay, có mức sống trung bình trở xuống. Sử dụng rượu giá rẻ, nhiều độc tố có thể là một trong những nguyên nhân của hiện tượng này. “Ngoài nguy cơ tâm thần, rượu dỏm còn khiến người dùng đối mặt với nhiều bệnh thực thể khác, thậm chí tử vong vì ngộ độc rượu cấp như nhiều trường hợp đã được báo chí đăng tải thời gian qua” - BS Quang cảnh báo.
Sảng rượu là gì? Theo BS Vũ Đình Vương, bệnh tâm thần do rượu có thể chia ra các dạng: ngộ độc rượu cấp, loạn thần do lạm dụng rượu lâu ngày, sa sút tâm thần do rượu và sảng rượu. Trong đó, sảng rượu là hiện tượng xảy ra khi bệnh nhân… không uống. “Nhiều bệnh nhân vì đi tàu xe đường dài, bị tai nạn phải nhập viện, đi chăm sóc con cháu trong BV… bỗng dưng “lên cơn” sau một vài ngày không có rượu. Đó là một dạng “hội chứng cai” tương tự như người nghiện ma túy gặp khi cai nghiện. Đôi khi, những người này bỗng tỉnh táo trở lại sau khi được uống chút rượu, tuy nhiên, đó không phải là cách giải quyết tình hình. Sảng rượu thường gặp ở người đã nghiện rượu lâu ngày, họ cần được cai rượu và đưa đến BV chuyên khoa tâm thần để điều trị” - BS Vương khuyến cáo. |
Bình luận (0)